Các ngân hàng trung ương có thể mua vào 1.000 tấn vàng trong năm 2021 và 2022
Theo đưa tin từ Bloomberg, các ngân hàng trung ương từ Serbia đến Thái Lan đang tăng cường nắm giữ vàng, trong khi ngân hàng trung ương Ghana gần đây vừa công bố kế hoạch mua thêm kim loại quý này.
Xu hướng trên diễn ra giữa lúc bóng ma lạm phát xuất hiện trở lại và thương mại toàn cầu phục hồi, giúp tạo thêm nguồn lực để các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng. Lực mua của các ngân hàng trung ương phục hồi sẽ củng cố triển vọng giá vàng, ngay thời điểm một số yếu tố liên quan tới nhu cầu bắt đầu suy yếu.
Ngân hàng Quốc gia Serbia (NBS) cho biết: "Trong dài hạn, vàng là tài sản an toàn nhất để bảo vệ nền kinh tế khỏi mối lo lạm phát và các rủi ro tài chính khác". Gần đây, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo rằng NBS có ý định tăng khối lượng vàng nắm giữ từ 36,3 tấn lên 50 tấn.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã chịu nhiều áp lực khi lợi suất trái phiếu tăng cao hơn, khiến tài sản trú ẩn này trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Sau khi phục hồi trở lại vào tháng 4 và tháng 5, giá vàng đã giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm vào tháng 6 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và đồng USD mạnh lên.
Thương mại toàn cầu khởi sắc cũng giúp củng cố tài khoản vãng lai của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Điều này cho phép các ngân hàng trung ương có thể mua thêm vàng vào kho dự trữ.
Ngoài ra, giá dầu thô tăng cao hơn cũng thúc đẩy các nhà xuất khẩu dầu mua thêm vàng miếng, ông James Steel - chuyên gia phân tích kim loại quý tại HSBC Holdings, cho hay. Kazakhstan và Uzbekistan là hai trong số các nước đang thực hiện động thái này.
Ông Steel dự đoán, các thương nhân dầu mỏ nhiều khả năng sẽ mua thêm vàng. "Nếu một ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, vàng là một phương án hay để tách khỏi đồng USD mà không cần chọn một loại tiền tệ khác", vị chuyên gia nói thêm.
Trong kịch bản khả quan, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào có thể đạt khoảng 1.000 tấn, nhà phân tích Aakash Doshi và các đồng nghiệp tại Citigroup ước tính.
Cụ thể, Citigroup dự báo, lượng vàng mua vào tại các ngân hàng trung ương sẽ đạt 500 tấn vào năm 2021 và 540 tấn vào năm tới. Dù con số này thấp hơn mức đỉnh kép hơn 600 tấn trong hai năm 2018 và 2019, nhưng vẫn tăng đáng kể so với 326,3 tấn vào năm ngoái, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Tháng trước, WGC đã công bố một báo cáo mới, trong đó khoảng 20% ngân hàng trung ương trên thế giới dự định tăng khối lượng vàng dự trữ vào năm 2022.
Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered lý giải: "Căng thẳng địa chính trị, nhu cầu đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối và bất ổn gia tăng đã thôi thúc các ngân hàng trung ương tiếp tục quan tâm tới vàng".