|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng lớn tại London cân nhắc 'ra đi hay ở lại'

07:58 | 29/04/2017
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng quốc tế lớn tại Anh đang cân nhắc việc chuyển một phần hoạt động từ Anh về các thành phố khác tại châu Âu để đảm bảo khả năng tiếp cận khối thị trường chung Liên minh châu Âu (EU) khi Thủ tướng Anh Theresa May bắt đầu thảo luận với các nhà đàm phán EU về Brexit (Anh rời EU), Reuters ngày 28-4 đưa tin.
cac ngan hang lon tai london can nhac ra di hay o lai
Nhiều ngân hàng quốc tế lớn tại Anh đang cân nhắc việc chuyển một phần hoạt động từ Anh về các thành phố khác tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Trong lúc nhiều ngân hàng đang lưỡng lự, giới chức Anh lại vô tình đẩy nhanh quá trình dịch chuyển khi hối thúc các ngân hàng đệ trình kế hoạch chi tiết cho viễn cảnh xấu nhất của Brexit. Từ chỗ lập kế hoạch, Ban lãnh đạo nhiều ngân hàng nhận thấy sự cần thiết của việc chuyển việc làm khỏi Anh.

Nhóm vận động hành lang TheCityUK ước tính 70.000 việc làm trong ngành dịch vụ tài chính tại Anh bị đe dọa bởi Brexit. Cái giá phải trả sẽ nặng nề vì ngành tài chính và các dịch vụ liên quan hiện đóng góp 190 tỉ bảng/năm, tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh.

Anh thảo luận lần đầu với các nhà đàm phán EU về Brexit

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 29-4 để vạch ra "giới hạn đỏ", ngày 26-4, Thủ tướng May đã tổ chức cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên kể từ khi khởi động tiến trình đám phán kéo dài 2 năm đưa Anh rời EU với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh EU bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh, đưa ra các yêu cầu mới về dịch vụ tài chính, nhập cư và khoản phí Anh phải thanh toán trước khi kết thúc tư cách thành viên kéo dài 44 năm trong EU.

Bà May vẫn giữ vững lập trường sớm đưa Anh rời EU để chấm dứt tình trạng công dân EU di cư tự do vào nước này và muốn thiết lập quan hệ đối tác mới với EU.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Anh khó có thể giành được những lợi thế trong đàm phán với EU về Brexit.

Các ngân hàng quốc tế lớn lên kế hoạch di dời khỏi Anh

Mệt mỏi vì phải sống trong tâm trạng lo lắng nhiều tháng qua khi không biết tương lai công việc sẽ bị cắt bỏ hay phải di chuyển, nhiều nhân viên và quan chức tại các ngân hàng quốc tế lớn nhất tại London như Citigroup, Goldman Sachs và HSBC đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu được chuyển về làm việc tại các chi nhánh khác ở châu Âu hay trong nước của họ càng sớm càng tốt nếu các ngân hàng này nhận thấy cần chuyển cơ sở trong thời kỳ hậu Brexit.

Động thái trên được xem là điểm khởi đầu cho sự dịch chuyển lớn nhất trước nay của hệ thống ngân hàng châu Âu, chủ yếu từ Anh sang phần còn lại của EU.

Trong thực tế, nhiều ngân hàng quốc tế đã bắt đầu dịch chuyển một số hoạt động khỏi Anh để đến các trung tâm thương mại và tài chính mới ở châu Âu ngay sau khi Thủ tướng May kích hoạt cơ chế chính thức đưa Anh rời EU. Brexit đang đảo ngược xu hướng kéo dài hàng chục năm qua trên thị trường tài chính châu Âu: Các sinh viên sáng giá và nhà đầu tư năng động nhất từ khắp châu Âu đổ về London để theo đuổi ngành tài chính vì đây là nơi tập trung trụ sở chính của tất cả ngân hàng quốc tế lớn nhất tại châu Âu. Chính điều này đã biến London thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu và thuộc nhóm hàng đầu đầu thế giới.

Giờ đây, tất cả đảo lộn hoàn toàn. Ngân hàng Societe Generale SA xác nhận đã chuyển một số giao dịch viên về Pháp và Ý, báo hiệu những đợt chuyển dịch nhân viên quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

HSBC tuyên bố kế hoạch di chuyển khoảng 1.000 nhân viên và nhà quản lý từ London sang Paris (Pháp).

Ngày 26-4, Deutsch Bank (Đức) cảnh báo 4.000 nhân viên tại các chi nhánh ở Anh có thể mất việc làm hoặc phải chuyển sang các chi nhánh thuộc EU. Phát biểu tại Hội nghị ngân hàng ở Frankfurt (Đức), CEO Deutsch Bank, ông Sylvie Matherat, cho biết dịch chuyển nhân viên là việc làm cần thiết để đối phó với tác động của Brexit. Deutsch Bank là ngân hàng lớn nhất của Đức và chi nhánh tại Anh có đến 9.000 nhân viên, trong đó có 7.000 nhân viên làm việc tại London.

JPMorgan Chase cho biết đang rà soát lại các lựa chọn trong những tháng gần đây. Mục tiêu ngắn hạn của JPMorgan Chase là hạn chế số lượng nhân viên chuyển đi. Mặc dù vậy, một số nhân viên sẽ phải chuyển địa điểm làm việc.

Morgan Stanley chưa có quyết định về các thay đổi khi Anh rời EU. Tuy nhiên, Morgan Stanley cho biết đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, trong đó có việc thiết lập chi nhánh lớn hơn trong khối 27 nước EU còn lại.

Các thành phố cạnh tranh thay thế vai trò của London

Sự dịch chuyển trên dự báo sự tái định hình hệ thống ngân hàng châu Âu trong tương lai gần, đồng thời làm dấy lên cuộc chiến giữa các thành phố cạnh tranh nhau thay thế vai trò của London.

Hiện, nhiều thành phố nằm trong danh sách điểm đến tiềm năng ở EU của các ngân hàng quốc tế lớn, từ Dublin (Ireland) đến Paris, Milan (Ý) và Frankfurt.

Pháp được xem là nước đi đầu trong cuộc cạnh tranh khi đưa ra đề xuất giảm thuế thu nhập với người nước ngoài lên đến 50% trong vòng 8 năm, đồng thời miễn đánh thuế vào tài sản của họ.

Ý cũng công bố luật thuế thu nhập mới, được đánh giá là khá mềm mỏng và ưu đãi với người nước ngoài.

Phúc Minh