|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các mánh lừa đảo trong đường dây tiền ảo iFan 15.000 tỷ và cách để NĐT lấy lại được tiền

16:12 | 10/04/2018
Chia sẻ
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, có thể có một vài cách để các NĐT trong vụ lừa đảo tiền ảo iFan 15.000 tỷ lấy lại được tiền, nhưng chỉ lấy lại được phần nào thôi, chứ nếu lấy hết thì xác suất đó gần như bằng 0.
cac manh lua dao trong duong day tien ao ifan 15000 ty va cach de ndt lay lai duoc tien ‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’
cac manh lua dao trong duong day tien ao ifan 15000 ty va cach de ndt lay lai duoc tien 'Bóng dáng' đa cấp Unicity tại công ty bị tố lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng
cac manh lua dao trong duong day tien ao ifan 15000 ty va cach de ndt lay lai duoc tien Tiền ảo đa cấp dạng iFan và những nghĩa địa 'coin chết'

Nhà đầu tư có thể lấy lại được tiền không?

Liên quan tới vụ vỡ đường dây tiền ảo iFan 15.000 tỷ đồng, nhiều người băn khoăn liệu những nhà đầu tư đã đổ tiền vào đây có cách nào có thể lấy lại tiền hay không? Mánh khóe để đường dây này lừa đảo được số tiền lớn như vậy là gì? Ai được, ai mất, được nhiều nhất và mất nhiều nhất trong vụ lừa đảo nghìn tỷ này?

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế và thị trường tài chính Phan Dũng Khánh, Thành viên sáng lập Hiệp hội các Nhà quản trị Tài chính Việt Nam, diễn giả của nhiều chương trình, hội thảo về tiền điện tử, cho rằng, trong đầu tư, cần phải lưu ý rằng bất kỳ một lời hứa lợi nhuận nào cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng trở lên thường sẽ có mùi lừa đảo.

Trong vụ việc trên, có thể có một vài cách để các nhà đầu tư lấy lại được tiền, nhưng chỉ lấy lại được phần nào thôi, chứ nếu lấy hết thì xác suất đó gần như bằng 0. “Tôi sợ rằng có khi còn mất thêm, vì họ có thể yêu cầu nộp thêm tiền vào để lấy số còn lại ra và sau đó họ sẽ bùng, hoặc kêu gọi nhà đầu tư mua vào giá thấp đi rồi nó sẽ tăng giá để họ gỡ vốn…”.

Theo ông Khánh, các cách để các nhà đầu tư có thể lấy lại tiền, thứ nhất là nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Nếu cơ quan pháp luật can thiệp được, phía công ty huy động tiền có thể làm thủ tục phá sản hoặc tự trả tiền lại cho nhà đầu tư.

Ông Khánh cho rằng cách này khó vì hoạt động trên không được cơ quan luật pháp cho phép nên những công ty kiểu này không có đăng ký hoạt động hợp pháp nên thông tin chắc chắn mơ hồ hoặc ảo. Ngoài ra có thể có yếu tố nước ngoài lại các phức tạp hơn nếu tiền đã chuyển ra nước ngoài.

Cách thứ hai đó là truy lùng các đầu mối mà chủ sàn có liên quan. Ví dụ như đăng ký ở nước ngoài, hoặc tìm các dự án nào đó khác mà chủ sàn trên có tham gia để làm áp lực, khi đó họ vì uy tín của mình với các đối tác hiện tại mà có thể phải trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Ông Khánh nhận định cách này cũng khó vì họ đã có ý định lừa đảo thì thường họ sẽ ẩn danh.

cac manh lua dao trong duong day tien ao ifan 15000 ty va cach de ndt lay lai duoc tien
Người dân căng băng rôn và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty Modern Tech lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền ảo. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Văn phòng Luật sư Interla (Hà Nội), dưới góc độ pháp luật, những nhà đầu tư tham gia vào hoạt động trên không được pháp luật công nhận. Vì vậy, khi rủi ro xảy ra sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Còn việc có thể truy tố được công ty đứng sau dự án này hay không thì còn phải điều tra, thu thập được đầy đủ các bằng chứng chứng minh công ty này vi phạm pháp luật.

Với trường hợp vụ lừa đảo iFan trên, về lý thuyết, những cá nhân đứng sau công ty huy động tiền có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, “Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác)” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Với việc chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, nếu cơ quan điều tra xác định được đủ bằng chứng, họ có thể bị truy tố, xử phạt hình sự với tội danh quy định tại điều 175 quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Điều 290 quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản – Bộ luật Hình sự.

Vẫn có nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận?

Trong vụ lừa đảo này, các nhà đầu tư tham gia không phải ai cũng lỗ hay mất trắng. Theo ông Phan Dũng Khánh, kiếm lời nhiều nhất tất nhiên là chủ sàn. Còn các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào đường dây này thì những người tham gia đầu tiên sẽ kiếm được lợi nhuận. Những người này sẽ được chủ sàn nhả ra cho thắng để từ đó làm chim mồi cho họ để đi “câu” khách mới. Còn những người càng vào sau thì càng mất nhiều, thậm chí mất trắng.

“Tuy nhiên, theo những gì tôi tìm hiểu được thì những người kiếm được lời lúc đầu này chỉ một số ít được nhận tiền mặt, đại đa số nhận coin, những người muốn nhận tiền mặt sẽ bị thuyết phục mà thường là bị bắt buộc nhận coin để tái đầu tư”, ông Khánh cho biết.

Mánh khóe lừa đảo trong dự án iFan huy động 15.000 tỷ

Ông Phan Dũng Khánh cho biết, thị trường tiền mã hóa nói riêng và thị trường tài chính nói chung có rất nhiều thủ thuật, mánh khóe lừa đảo.

Theo ông Khánh, trong vụ việc iFan lừa đảo 15.000 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mã hóa) thiệt hại nặng nề, phía “nhà cái” đã phối hợp các kỹ thuật tài chính từ chính thống đến lừa đảo như mô hình Ponzi, MLM (đa cấp tiền số) và lending (bán gói và NĐT không được cầm coin của chính mình, một hình thức đơn thuần lấy một phần tiền lời của chính NĐT đó một cách công khai và trả lại cho chính họ).

cac manh lua dao trong duong day tien ao ifan 15000 ty va cach de ndt lay lai duoc tien
Lê Ngọc Tuấn, người kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan, bị nhiều người lên tiếng tố cáo lừa đảo. Ảnh: Zing.

Ông Khánh đưa ra ví dụ để giải thích rõ hơn: bạn mua 1 gói đầu tư được hứa hẹn lãi suất rất cao, chẳng hạn 50% với giá 1 đồng. Một tháng sau tăng lên 2 đồng về mặt lý là bạn được lợi nhuận 100% nhưng thật ra sàn đã vay lại (lending) của bạn và thuyết phục bạn (thật ra là bắt buộc) thay vì lấy tiền thật thì lấy lãi bằng đồng coin của họ (mà đồng này họ muốn in ra bao nhiêu thì in) với mục đích "tái đầu tư". Nghe có vẻ hợp lý và hấp dẫn phải không? Thậm chí họ còn nói đó là hình thức lãi kép nên nhiều người còn thích hơn nữa.

Tuy nhiên làm sao để đẩy giá tăng kích thích lòng tham, vì những đồng này chủ yếu giao dịch sàn nội bộ chưa được đưa lên sàn quốc tế và do chủ sàn đã giữ toàn bộ coin nên nguồn cung là không có hoặc siêu thấp chỉ mang tính cho có giao dịch. Vì vậy nên họ muốn coin lên giá bao nhiêu sẽ có giá bấy nhiêu.

Tuy vậy, giá không thể tăng mãi được, phải có lúc dừng và lúc đó là lúc mà cái gói tiền người mua coin đến hạn (sàn sẽ sụp trước lúc đó) hoặc là nhà cái sẽ định luôn giá coin mà sàn mong muốn (thông thường sẽ cao hơn giá thị trường). Chính vì vậy sau đó người mua nhận được những đồng tiền này thì họ sẽ bán ra để thu được bao nhiêu trở lại thì thu nên giá cứ thế rớt không phanh như trường hợp Bitconnect (BCC) - một trong những ICO thành công nhất lịch sử với giá trị tăng hơn gấp 3.000 lần trong vòng một năm. Thậm chí khi đó muốn bán cũng không thể được vì mất thanh khoản hoặc số tiền đó sẽ trả trước cho một số người (thường là chủ sàn) khi họ bán xong mới đến trả cho bạn để bạn bán.

Nhẫn tâm hơn họ dùng các kỹ thuật "bơm thổi" kinh điển khi đưa thêm các thông tin như sẽ mua lại với giá cao, hoạt động lại bình thường, đồng tiền được sử dụng cho thanh toán hàng hóa... để các nhà đầu tư lại lao vô mua những đồng coin giá thấp (nhưng đã bị họ mua gom trước khi tung tin) và lập lại một cú xả hàng. Ngoài ra họ còn kêu gọi nhà đầu tư nộp thêm tiền để có thể lấy coin ra sớm hơn người khác...

Khi vẫn còn người bị lừa và đổ tiền vào thì cái vòng xoay này sẽ lặp đi lặp lại.

Trước đó, chiều 8/4, hàng trăm người đã kéo tới trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (TP HCM), mang theo băng rôn và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền ảo.

Theo tố cáo từ người dân, Modern Tech được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lại mang danh nước ngoài. Đơn vị này đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan, kèm theo lời cam kết lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Người lôi kéo thêm nhà đầu tư mới sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.

Nhưng bất ngờ đến tháng 1, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat vào trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều biến mất. Hiện Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im lặng trước cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng.

Khánh Hà