|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các kịch bản của TP HCM phòng sự cố ô nhiễm nguồn nước

14:50 | 17/10/2019
Chia sẻ
Sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà một lần nữa là hồi chuông cảnh báo vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước sạch ở các thành phố lớn khi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
 - Ảnh 1.

Khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn, xử lý rồi cung cấp lại cho người dân - Ảnh: QUANG KHẢI

Ông Trần Văn Khuyên - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) - cho hay sự cố dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội là một bài học để Sawaco có những điều chỉnh trong kế hoạch cấp nước an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Nhiều phương án xử lý khi có sự cố

Theo ông Khuyên, hiện nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP HCMchủ yếu lấy từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hai sông này chảy qua TP.HCM chỉ là phần nhỏ phía hạ lưu. 

Vì vậy, khi có những sự cố về môi trường ở đầu nguồn (ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông ngày càng cao), khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước cho TP.HCM rất lớn.

Hiện nay, Sawaco còn thuê canô kiểm tra hằng tháng, giám sát các nguồn thải dọc lưu vực sông, các kênh rạch lớn chảy vào sông nhằm giám sát chất lượng nước từ xa.

Trong trường hợp sự cố gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, đại diện Sawaco cho biết phải ngưng xử lý nước. Thực tế Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày, sử dụng nước sông Sài Gòn) đã nhiều lần ngưng hoạt động vì nước nhiễm mặn, và phải tăng cường hóa chất xử lý trong những thời điểm một số chỉ tiêu ô nhiễm tăng cao.

Theo ông Bùi Thanh Giang - phó tổng giám đốc Sawaco, để đề phòng các sự cố, ngoài việc lấy mẫu nước định kỳ còn trang bị thêm hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến nước vào nhà máy xử lý và hệ thống đường ống cung cấp cho người dân.

"Ví dụ trường hợp các chất hữu cơ hoặc amoni tăng cao, thông qua hệ thống giám sát online, các công nhân trực vận hành phải điều chỉnh clo xử lý nước từ trạm bơm về đến nhà máy. 

Trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng xử lý buộc phải ngưng lấy nước sông Sài Gòn trong một thời gian thì sẽ nhờ Nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất hỗ trợ và có thể đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm" - ông Giang cho hay.

Với sự cố dầu thải tràn trên sông, ông Giang cho biết Sawaco cũng đã lên kịch bản phòng chống. Sawaco đã trang bị 2 hệ thống phao ngăn, thu dầu thải đặt tại các trạm bơm nước, sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố...

Giải pháp hồ lắng nước và đập ngăn mặn

Ông Trần Văn Khuyên nhìn nhận nhờ có 2 hồ chứa nước Dầu Tiếng và Trị An ở đầu nguồn nên nguồn nước thô dự trữ cho TP.HCM luôn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Khuyên cho rằng mỗi khi có vấn đề về ô nhiễm hay nước mặn, hàng trăm triệu mét khối hồ Dầu Tiếng có thể phải bị đổ hết ra biển, gây lãng phí. 

Vì vậy, về lâu dài, TP.HCM cần thực hiện phương án xây dựng các hồ điều tiết, hồ lắng dọc sông Sài Gòn hoặc sông Đồng Nai. Phương án này giúp đảm bảo an toàn nguồn nước cho thành phố đến 50 năm sau.

Một giải pháp khác, theo ông Khuyên, TP.HCM cần xem xét xây dựng đập ngăn mặn ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần tính toán xây dựng nhiều bể chứa nước ngầm trong các khu vực nội thị nhằm đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn.

Các đề xuất như trên đã được nêu trong nội dung điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2060 trình cơ quan chức năng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện.

Các sự cố mất an toàn nước trong năm 2019

* Tháng 8-2019, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An bị ảnh hưởng do nước đục, khiến nhiều phường thuộc TP Vinh bị thiếu nước nhiều ngày.

* Tháng 8-2019, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng bị ảnh hưởng do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, khiến hàng trăm hộ dân của quận Sơn Trà thiếu nước sạch.

* Tháng 10-2019, nguồn nước sông Đà ô nhiễm khiến người dân nhiều quận của Hà Nội thiếu nước sạch.

Phước Tuần