|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nước sông Đà nhiễm dầu vẫn cấp cho dân: Còn nhiều chất độc hơn styren?

13:45 | 17/10/2019
Chia sẻ
Nước sông Đà cấp cho Hà Nội bị nhiễm dầu thải đang gây xáo trộn cuộc sống của người dân. TS Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam) cho biết, trong dầu thải có nhiều chất dạng như styren nhưng độc hơn, tan trong nước tốt hơn và tạo ra mùi nặng.
avatar_1571294366142

Dòng suối cạnh Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu đen kịt . Ảnh: pv.

Cơ quan chức năng cần có những phân tích mẫu nước kỹ càng hơn nữa để tìm ra những chất độc hại này.

Dầu thải chứa nhiều chất độc hại

TS Đỗ Thanh Bái không nghi ngờ nhưng chưa tin lắm kết quả kiểm nghiệm mẫu nước của Hà Nội. Ông phân tích, trong dầu thải có nhiều chất giống như styren, có độc tính cao hơn styren. Tuy nhiên, các chất này có độ tan tốt hơn nhiều trong nước nên mới gây ra mùi nồng nặc như vậy.

Dầu thải thường chứa nhiều hợp chất có gốc vòng benzen, vòng phenol. Đây là những chất có ngưỡng mùi rất thấp, chỉ một lượng nhỏ cũng có thể tạo mùi.

Theo TS Nguyễn Đức Huỳnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển an toàn môi trường dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dầu nhớt thải là loại dầu nặng, thành phần có nhiều độc tố rất nguy hiểm như các chất thơm (aromatics), chất mạch vòng (napthenic), kim loại nặng (phát sinh trong quá trình sử dụng dầu nhớt), lưu huỳnh,  molybdene (nếu dầu nhớt có sử dụng phụ gia bôi trơn). 

Ngoài ra, dầu nhớt thải còn có thể lẫn chất thải từ quá trình sử dụng.

Vì vậy, TS Huỳnh cho rằng, cùng với việc phân tích các chỉ tiêu theo Quy chuẩn chất lượng quốc gia về nước ăn uống của Bộ Y tế (109 chỉ tiêu-PV), cần tập trung phân tích sâu các chỉ tiêu liên quan đến kim loại nặng và hydrocacbon thơm thường có trong dầu nhớt.

Nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho biết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu 4 nước mặt và 1 mẫu nước thải tại các vị trí khác nhau, vài ngày tới sẽ có kết quả phân tích mẫu nước. Từ đó mới đánh giá được đầy đủ tính chất, mức độ tác động môi trường của sự cố.

Cần tìm nguồn nước thay thế

TS Nguyễn Đức Huỳnh cho rằng, cần cô lập ngay khu vực ô nhiễm nước đầu cấp của Nhà máy nước sạch sông Đà. Ông cho biết, dầu nhớt thải tồn tại rất lâu và rất khó làm sạch hoàn toàn nên phương án cần thiết nhất là nhanh chóng cô lập dòng suối và hồ nhiễm dầu thải đồng thời chủ động tìm nguồn nước thay thế. 

Dù đã tiến hành vớt dầu nhưng tuyệt đối không để nước suối và nước hồ đã nhiễm dầu thải tiếp tục chảy về phía nhà máy. “Ngay lập tức cần tìm nguồn nước sạch từ nơi khác để giải quyết khủng hoảng thiếu nước cho người dân”, ông Huỳnh nói.

Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, ngoài phần dầu nổi lên mặt nước còn có dầu sa lắng, dầu keo lơ lửng trong nước và cả một phần bị hòa tan. Với phần dầu khuếch tán hòa tan trong nước thì rất khó để xử lý. 

Đối với phần keo dầu lơ lửng trong nước, cần xây dựng hệ thống vải chắn để lọc dầu. Với phần dầu đã sa lắng xuống lòng hồ, lòng suối thì cần ngăn suối, ngăn hồ để hút toàn bộ bùn bề mặt đáy hồ.

TS Trần Thế Loãn (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho hay, do xử lý nước lẫn dầu thải rất tốn kém và phức tạp nên nước trong nhà máy có nguy cơ nhiễm dầu thải cần hút bỏ đi.

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái nói người dân có thể tự bảo vệ bằng cách hạn chế styren trong nước qua các biện pháp thủ công như dùng sục khí để thổi hoặc dùng than hoạt tính lọc nước.

Máy lọc nước có dùng than hoạt tính có thể hạn chế được styren. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, cùng với các máy lọc dùng than hoạt tính, các máy lọc RO (máy lọc nước tinh khiết) cũng có khả năng hạn chế styren trong nước.

Nguyễn Hoài