Các hãng xe Đức phản đối thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu áp thuế trừng phạt lên các xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, các hãng xe lớn của Đức như Volkswagen và BMW đã lên tiếng kêu gọi một giải pháp nhằm ngăn chặn xung đột thương mại leo thang giữa hai bên, theo Yahoo Finance.
Volkswagen đã đưa ra lời kêu gọi về một giải pháp đàm phán. Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 4/10, hãng xe nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu và Trung Quốc tiếp tục các cuộc đàm phán để đạt được một giải pháp một cách xây dựng."
Theo Volkswagen, mục tiêu chung phải là ngăn chặn bất kỳ thuế quan bảo hộ nào và tránh xảy ra xung đột thương mại. Hãng xe Đức này cũng cho rằng "việc dự kiến áp dụng thuế quan là cách tiếp cận sai lầm và sẽ không cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô châu Âu."
Ngày 6/10, tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn lời CEO Volkswagen, ông Oliver Blume nói: "Thay vì áp dụng thuế trừng phạt, chúng ta nên xem xét việc ghi nhận lẫn nhau các khoản đầu tư. Những ai đầu tư, tạo việc làm và hợp tác với các công ty địa phương nên được hưởng lợi khi đề cập đến thuế quan."
Ông cho rằng có nguy cơ các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Với vị thế là nhà sản xuất xe lớn nhất châu Âu, Volkswagen tiếp tục khuyến nghị EU nên điều chỉnh các biện pháp thuế quan dự kiến để tính đến các khoản đầu tư mà các công ty đã thực hiện tại châu Âu.
Tương tự, BMW cũng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực từ quyết định này. Tổng giám đốc BMW, Oliver Zipse, phát biểu: "Cuộc bỏ phiếu hôm nay là một tín hiệu tai hại đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu." Ông Zipse nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt được một giải pháp nhanh chóng giữa Ủy ban châu Âu và Trung Quốc để tránh một cuộc xung đột thương mại mà cuối cùng sẽ chỉ mang lại thiệt hại cho cả hai bên.
Cuộc bỏ phiếu tại Brussels (Bỉ) đã không đạt được đa số đủ để chống lại các mức thuế bổ sung của EU đối với xe điện từ Trung Quốc, điều này cho phép Ủy ban châu Âu quyết định áp dụng mức thuế lên tới 35,3%.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào quan hệ thương mại với Trung Quốc, đã bỏ phiếu chống lại động thái này, nhằm bảo vệ lợi ích kinh doanh với thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Mercedes-Benz cũng lên tiếng phản đối mức thuế này, gọi chúng là một "sai lầm" và kêu gọi Ủy ban châu Âu trì hoãn việc thực hiện để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán.
Theo bà Hildegard Mueller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA), "xung đột thương mại chỉ mang đến những kẻ thua cuộc", tờ Reuters dẫn lời vị lãnh đạo ngành xe hơi Đức, cảnh báo thiệt hại cho tất cả các bên khi xung đột thương mại trở nên căng thẳng.
Các hãng xe Đức được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa, khi dữ liệu thương mại cho thấy gần một phần ba doanh số bán xe của các hãng xe này trong năm 2023 đến từ thị trường Trung Quốc.
Dù phần lớn các xe bán tại Trung Quốc được sản xuất trong nước, nhưng nhiều mẫu xe cao cấp vẫn được nhập khẩu từ Đức.
Ủy ban châu Âu đã có được sự ủng hộ cần thiết để tiến hành áp dụng thuế quan, nhưng vẫn còn thời gian để các bên tìm kiếm một giải pháp đàm phán trước khi quyết định chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 10.