‘Carry trade’ có dấu hiệu tái xuất, rủi ro chứng khoán toàn cầu lần nữa lao dốc
Carry trade sắp bùng nổ trở lại?
Một phân tích mới của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ các sàn giao dịch hợp đồng tương lai tại Nhật Bản và Mỹ cho thấy chiến lược carry trade sử dụng đồng yen làm đồng tiền cấp vốn đang có dấu hiệu quay trở lại.
Theo phân tích, các nhà đầu tư nhỏ lẻ Nhật Bản cùng các quỹ sử dụng đòn bẩy và nhà quản lý tài sản quốc tế đã tăng số vị thế đặt cược chống lại đồng yen lên 13,5 tỷ USD vào tháng 11. Hồi tháng 10, quy mô các vị thế chỉ đạt 9,7 tỷ USD.
Số vị thế đặt cược chống lại đồng yen dự kiến sẽ tăng vào năm tới do chênh lệch lãi suất đáng kể giữa các nền kinh tế, chính phủ Mỹ vay nợ nhiều hơn và thị trường tiền tệ giảm bớt biến động.
Ba yếu tố nói trên khiến hoạt động vay nợ tại Nhật Bản, sau đó đem tiền đầu tư vào các thị trường có tỷ suất sinh lời tốt hơn sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, 10 đồng tiền hàng đầu trong nhóm G10 và các thị trường mới nổi đang có lợi suất trung bình hơn 6%. Ngược lại, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lãi suất quanh mức 0,25%, lợi suất của đồng yen gần như không tồn tại.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang tăng dần lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn như Mỹ vẫn còn lớn. Một số chiến lược gia nhận định động lực cho chiến lược carry trade vẫn còn.
Ông Alvin Tan, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại Royal Bank of Canada, đánh giá: “Mức chênh lệch lãi suất lớn giữa các nước và Nhật Bản khiến đồng yen luôn được coi là một đồng tiền cấp vốn”.
Tuy nhiên, sự phổ biến của chiến lược carry trade cũng có thể ảnh hưởng đến các thị trường tài chính. Cú sốc carry trade diễn ra vào mùa hè năm nay đã làm bốc hơi khoảng 6.400 tỷ USD vốn hoá chứng khoán toàn cầu chỉ trong ba tuần.
Hồi tháng 7, đồng yen đã phục hồi chóng mặt sau khi BoJ tăng lãi suất chính sách. Đà tăng mạnh của đồng yen được cho là nguyên nhân gây ra cú sốc đó. Khi yen tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng tiền này sẽ chịu áp lực lớn.
Nếu đóng vị thế, họ có thể thua lỗ. Để có tiền duy trì vị thế (không hiện thực hóa khoản lỗ), các nhà đầu tư có thể phải bán bớt một số tài sản, chẳng hạn như chứng khoán Mỹ.
Đà tăng đột ngột của đồng yen vào tuần trước cho thấy những rủi ro mà các nhà đầu tư đang sử dụng chiến lược carry trade có thể phải đối mặt.
Ẩn số Trump
Mizuho Securities và Saxo Markets dự doán các giao dịch carry trade có thể sẽ quay trở lại mức từng thấy vào đầu năm nay. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là sự trở lại của ông Donald Trump có thể đẩy thị trường tiền tệ rơi vào tình cảnh hỗn loạn.
Đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã nhảy vọt trong những tháng gần đây khi thị trường đồn đoán rằng thuế quan và đề xuất cắt giảm thuế suất của Tổng thống đắc cử Trump sẽ thúc đẩy nền kinh tế và lạm phát, có khả năng làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lo ngại đã được xoa dịu phần nào sau khi ông Trump đề cử tỷ phú quỹ đầu cơ Scott Bessent làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. Ông Bessent từng tuyên bố muốn kiểm soát tình trạng thâm hụt tài khoá của Mỹ.
Song, theo chiến lược gia cấp cao Shoki Omori của Mizuho Securities thì sau cùng ông Trump mới chính là người quyết định chính sách tài khoá của siêu cường số một thế giới.
“Cuối cùng, tất cả đều phụ thuộc vào ông Trump. Mọi người đang quên mất rủi ro quyền lực của ông Trump lấn át ông Bessent. Nếu ông Bessent muốn giữ ghế, tôi không nghĩ ông ấy sẽ quá cứng nhắc về vấn đề ngân sách”, vị chiến lược gia nói.
Mối đe doạ về một cuộc chiến thương mại dưới thời ông Trump cũng có khả năng gây sức ép lên các tài sản toàn cầu, đặc biệt là sau khi vị tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan đối với Trung Quốc, Canada và Mexico vào tuần trước.
Mặc dù đồng peso từ lâu đã là đồng tiền dùng trong các giao dịch carry trade nhờ mức lãi suất hai chữ số của Mexico, lời đe doạ của ông Trump có thể gây ra đủ biến động để khiến các giao dịch trở nên kém hấp dẫn.
Đây là vấn đề rất quan trọng vì các giao dịch carry trade được tài trợ bằng đồng yen phải diễn ra trong một môi trường tiền tệ ít biến động.
Một số chiến lược gia khác cho rằng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn sẽ thu hẹp, cản trở động lực cho chiến lược carry trade, đặc biệt là sau khi Thống đốc BoJ Kazuo Ueda để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12.
Các quan chức Nhật Bản cũng đã có động thái can thiệp bằng lời nói vào thị trường. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính từng lưu ý về những biến động một chiều mạnh mẽ đối với đồng yen kể từ cuối tháng 9.
Yen Nhật là một trong những đồng tiền giao dịch kém nhất trong năm nay trong nhóm G10. Các vấn đề mang tính câu trúc như dòng vốn liên tục tháo chạy đã gây áp lực lên đồng nội tệ của Nhật Bản.
Khi cú sốc carry trade xảy ra vào đầu tháng 8, đồng yen từng phục hồi lên khoảng 140 yen đổi 1 USD. Tuy nhiên, gần đây đồng tiền này đã quay trở lại quanh mức 150 yen đổi 1 USD.