|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 nhà máy Samsung tại Việt Nam giảm lợi nhuận

11:38 | 03/12/2024
Chia sẻ
Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 23 tỷ USD.

Trong báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, Samsung Electronics cho biết các đơn vị thành viên ở Việt Nam dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm so với cùng kỳ.

 

Toàn cảnh Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). (Ảnh: Samsung).

4 nhà máy lớn tại Việt Nam gồm Samsung Thái Nguyên (SEVT), Samsung Electronics Vietnam Bắc Ninh (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) ghi nhận tổng doanh thu 9 tháng đạt 63.821 tỷ won (45,47 tỷ USD), tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận giảm mạnh 23,6%, còn 4.181 tỷ won (2,98 tỷ USD).

Trong đó, SEVT - đơn vị sản xuất điện thoại chính, có doanh thu 18,8 tỷ USD, tăng 9,6%, nhưng lợi nhuận giảm 14,3%, đạt 1,4 tỷ USD. Đơn vị này cũng vừa đạt cột mốc lịch sử khi sản xuất chiếc điện thoại thứ 1 tỷ hồi tháng 4, sau 11 năm hoạt động.

SEV - chuyên sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng, đạt doanh thu 12,1 tỷ USD (tăng 6,23%) và lợi nhuận 929,23 triệu USD (giảm 19,4%).

SDV - chuyên sản xuất màn hình, chứng kiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm, lần lượt còn 10,7 tỷ USD (-11%) và 449,81 triệu USD (-41,7%).

SEHC - là đơn vị  tập trung sản xuất TV, đạt doanh thu 3,78 tỷ USD (+12,09%) nhưng lợi nhuận giảm gần một nửa, còn 164,08 triệu USD.

Dù kết quả lợi nhuận không mấy khả quan, các nhà máy tại Việt Nam tiếp tục đóng góp khoảng 28% tổng doanh thu toàn cầu và 15,7% lợi nhuận của tập đoàn mẹ. Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 23 tỷ USD.

Trên toàn cầu, Samsung ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 160 tỷ USD, tăng 17,7%, và lợi nhuận 18,9 tỷ USD, tăng gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi này chủ yếu đến từ mảng bán dẫn, một lĩnh vực đang có nhu cầu lớn từ các trung tâm dữ liệu và công nghệ AI.

Tuy nhiên, Samsung vẫn đối mặt nhiều thách thức. "Tôi rất ý thức rằng, gần đây, có nhiều lo ngại về tương lai Samsung. Có người cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng", Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong nói.

Ông cảnh báo về "những mối lo nghiêm trọng" trong lĩnh vực này. Nhu cầu chip di động đang giảm, dù mảng bộ nhớ băng thông cao (HBM) và sản phẩm mật độ cao vẫn tăng trưởng tốt.

Công ty dự kiến tinh giản lực lượng lao động toàn cầu vào cuối năm 2024, để tối ưu chi phí vận hành. Samsung cho biết mục đích của đợt tái cơ cấu là nhằm khắc phục tình trạng bất ổn trong kinh doanh, cải tổ tổ chức và nâng cao cạnh tranh về mặt công nghệ của mảng chip.

Trên thị trường smartphone, ngoài Apple với iPhone 16 vừa ra mắt, Samsung còn phải chạy đua với đối thủ đang trở lại là Huawei, khi thị phần của hãng giảm xuống chưa tới 1% tại thị trường Trung Quốc. 

Samsung dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tiên tiến như sản xuất chip 2nm, mở rộng mảng AI và tăng cường các dòng sản phẩm cao cấp để duy trì vị thế. Trong mảng điện thoại thông minh, hãng tập trung vào các sản phẩm tích hợp AI như Galaxy S24 Ultra – mẫu điện thoại cao cấp nhất hiện nay.

Thành Vũ