Chủ tịch FPT: Việt Nam sở hữu lực lượng nhân sự công nghệ nhiều quốc gia mơ cũng không có
"Thế giới bước vào giai đoạn lịch sử chưa từng có khi mọi thứ trở nên bất ổn và khó đoán định, một thế giới mới có thể xuất hiện khi những dây chuyền, câu chuyện cũ bị phá vỡ”, là nhận định của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại diễn đàn Vietnam Tech Impact Summit 2024.
Ông Bình dự báo đến năm 2030, 75% công việc hiện tại có nguy cơ biến mất, đặt ra thách thức lớn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thích nghi và phát triển để tồn tại. Song, ông cũng tin rằng, đây là cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để vươn lên mạnh mẽ.
Vị Chủ tịch nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng chuyển đổi số - một bước ngoặt lịch sử có thể đưa Việt Nam đứng ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang sở hữu thế và lực khi trở thành "bến đỗ an toàn" trong cơn bão địa chính trị toàn cầu.
Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất với các cường quốc trên thế giới, kết nối các thị trường bằng những nghị định thương mại cởi mở. “Chúng ta là nơi an toàn, chúng ta có mọi cơ hội nhưng vấn đề quan trọng là chúng có nắm cơ hội đó không hay thôi”, ông Bình nhấn mạnh.
Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam đang toả sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Ông Bình nhắc lại lời của một doanh nhân Ấn Độ khi đánh giá ở trên thế giới chỉ có 2 quốc gia có công ty xuất khẩu phần mềm vượt 1 tỷ USD, trong đó Ấn Độ đứng thứ nhất, thứ hai là Việt Nam.
“Chúng ta đang có lực lượng cán bộ công nghệ nhiều quốc gia mơ cũng không có. Không phải ngẫu nhiên Jensen Huang chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai của Nvidia vào thời điểm này. Chúng ta cũng có thể trả lời câu hỏi trước đây Microsoft không chọn Việt Nam là điểm đến vì thời hoàng kim của họ Việt Nam chưa có nhiều dấu ấn. Còn trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, không chỉ Nvidia mà nhiều công ty khác tiếp tục chọn nước ta là điểm đến đầu tư”, ông Bình lý giải.
Theo Chủ tịch FPT, trong kỷ nguyên mới, từ khóa quan trọng và xuyên suốt cần hướng tới chính là "dữ liệu". Dữ liệu không chỉ là nguồn tài nguyên mới, mà còn là yếu tố quyết định thứ hạng và sức mạnh của một quốc gia trên trường quốc tế.
“Dữ liệu đang trở thành nhiên liệu quan trọng trong mọi nền kinh tế. Trật tự thế giới mới được thiết lập trên cơ sở quốc gia nào nắm và quản lý dữ liệu tốt hơn. Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch và dùng được hay việc sở hữu, nhượng quyền ra sao, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ kỹ”, ông Bình nêu quan điểm.
Vị Chủ tịch cũng cho rằng cần có những cơ chế để tháo gỡ các điểm nghẽn trong lĩnh vực công nghệ, vì chỉ có tháo gỡ những vấn đề thì tương lai mới có cơ hội.