Các hãng thời trang khốn đốn trong năm đại dịch COVID-19
Tuy nhiên, không vì thế hãng mất đi sự lạc quan khi dự báo về đà ăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong báo cáo tài chính công bố ngày 10/3, Adidas cho hay lợi nhuận ròng của hãng đã giảm xuống còn 432 triệu euro (513 triệu USD) trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số 1,97 tỷ euro của năm 2019. Doanh thu của Adidas cũng giảm 16%, xuống còn gần 20 tỷ euro.
Tuy nhiên, hãng thời trang thể thao này lạc quan cho biết hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng Adidas tại hầu hết các nước trên thế giới, ngoại trừ châu Âu, đã hồi phục trong quý 4/2020 sau thời gian dài phải đóng cửa do các biện pháp hạn chế.
Tại châu Âu, khoảng một nửa cửa hàng Adidas đã phải đóng cửa vào cuối năm ngoái, trùng vào dịp mua sắm Giáng sinh. Doanh thu của thương hiệu hàng đầu Adidas đã giảm 13% trong năm ngoái, trong khi thương hiệu Reebok thuộc sở hữu của hãng này giảm 16% doanh thu.
Tháng Hai, Adidas thông báo kế hoạch bán thương hiệu Reebok mà hãng đã thâu tóm hồi năm 2006 với giá hơn 3 tỷ euro nhằm cạnh tranh với đối thủ Nike của Mỹ. Nỗ lực đổi mới Reebok của Adidas không thành công dù hãng này có được sự hậu thuẫn của các nhân vật nổi tiếng như Victoria Beckham, Cardi B hay ca sỹ Ariana Grande.
Trái ngược với hoạt động kinh doanh trực tiếp, mảng kinh doanh trực tuyến của Adidas khởi sắc hơn với doanh thu tăng 53% lên mức 4 tỷ euro, chiếm tới 20% tổng doanh thu của hãng.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Adidas Kasper Rorsted cho hay với 95% cửa hàng trên khắp thế giới mở cửa trở lại, Adidas sẽ vượt qua thử thách và tăng trưởng trong năm 2021.
Hãng dự báo doanh thu có thể tăng từ 15-20% trong năm nay, với sự phát triển mạnh mẽ được kỳ vọng tại các thị trường Trung Quốc, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Adidas cũng dự doán lợi nhuận ròng vào khoảng 1,25-1,45 tỷ euro trong năm 2021.
Tập đoàn thời trang Inditex của Tây Ban Nha cũng không thoát được "cơn bão" tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lợi nhuận ròng của hãng này - chủ sở hữu thương hiệu Zara, đã giảm 70% trong năm ngoái, xuống còn hơn 1 tỷ euro (khoảng 1,3 tỷ USD). Đây là mức giảm nhiều hơn so với dự báo sau một năm nhiều nước thực hiện lệnh phong tỏa và nhu cầu giảm do đại dịch.
Inditex cho hay lợi nhuận ròng trong quý 4/2020 đã giảm 53%, xuống còn 435 triệu euro trong khi doanh thu là hơn 6 tỷ euro. Nguyên nhân là do các biện pháp phong tỏa và người dân châu Âu hạn chế mua sắm vào cuối năm ngoái. Tính đến 8/3, khoảng 15% cửa hàng của Inditex trên toàn thế giới vẫn chưa thể mở cửa trở lại do dịch bệnh.
Tập đoàn bán lẻ thời trang của Tây Ban Nha, vốn sở hữu 6.829 cửa hàng trên khắp thế giới, cho biết tổng doanh thu trong năm 2020 đã giảm 28% từ mức 20,4 tỷ euro của năm trước đó. Tuy nhiên, mảng kinh doanh trực tuyến lại tăng mạnh, tới 77%.
Tính đến ngày 31/1 vừa qua, khoảng 30% cửa hàng của Inditex buộc phải đóng cửa do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và khoảng 52% cửa hàng thực hiện biện pháp hạn chế. Inditex dự đoán phải đến ngày 12/4 toàn bộ cửa hàng của tập đoàn này mới mở cửa trở lại.
Inditex đang lên kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động, thay vào đó tăng đầu tư tại các địa điểm thuận lợi cho cả việc bán hàng trực tiếp và trực tuyến.
Cho tới này, Inditex đã "khai tử" 751 trong số 1.200 cửa hàng trong chiến lược trên.