Các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai
Hai dự án gặp khó
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang mới đây có quyết định thống nhất bãi bỏ các chủ trương cho phép nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư, chủ trương về nguyên tắc thực hiện nhiều dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Một trong số này là dừng chủ trương cho phép Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất đầu tư dự án Nhà máy điện gió kết hợp Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang theo Công văn số 1345/UBND-NCTH ngày 19/7/2021 và số 373/UBND-NCTH ngày 24/3/2022.
Không chỉ tại Hậu Giang, Tập đoàn Sao Mai còn có một dự án điện mặt trời đang gặp khó tại tỉnh Long An do khởi công dự án khi chưa được thuê đất.
Theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ, Công ty cổ phần Điện mặt trời Europlast Long An - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An - đã khởi công xây dựng trên diện tích 58,66 ha khi chưa được UBND tỉnh Long An cho thuê đất là vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Cả 8 nhà máy điện mặt trời thuộc diện thanh tra tại tỉnh Long An đều chưa có kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền khi đưa vào sử dụng. Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành cho 8 nhà máy và mua giá cố định khi chưa có nghiệm thu là vi phạm Thông tư 16/2017/TT-BCT và Thông tư 39/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Mảng năng lượng đóng góp lợi nhuận lớn nhất
Tập đoàn Sao Mai là một trong các đơn vị tham gia sớm vào làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Cuối năm 2017, công ty tiên phong trong lĩnh vực này đã đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời áp mái công suất 1,07 MWp, lớn nhất lúc bấy giờ.
Vào các năm 2019 và 2020, tập đoàn tiếp tục vận hành và phát điện thương mại các nhà máy điện mặt trời tại Long An với công suất 50 MWp và tại An Giang với công suất 210 MWp.
Trong đó, dự án Điện mặt trời An Hảo tại An Giang có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, hoạt động trên diện tích 275 ha với công suất 210 MWp. Nhà máy được triển khai từ 2017 và được hoàn công trước 31/12/2020, đủ điều kiện hưởng giá mua điện ưu đãi trong 20 năm.
Dự án còn lại chính là Điện mặt trời Europlast Long An có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng với công suất 50 MW, hưởng mức giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/kWh. Nhà máy được khởi công từ tháng 9/2018, đi vào hoạt động từ tháng 5/2019.
Sau khi nhà máy đã đi vào vận hành tháng 6/2019, Tập đoàn Sao Mai đã mua lại 76,67% vốn Công ty cổ phần Điện mặt trời Europlast Long An và qua đó trở thành công ty mẹ để hợp nhất báo cáo tài chính.
Chỉ tiêu (tỷ đồng) | Doanh thu 9T/2023 | Lãi gộp 9T/2023 | Biên lãi gộp |
Thức ăn cho cá | 3.927 | 193,3 | 4,9% |
Cá xuất khẩu | 2.261 | 244 | 10,8% |
Thương mại | 2.168 | 112,6 | 5,2% |
Điện mặt trời | 582 | 433,6 | 74,5% |
Dịch vụ | 177 | 47,2 | 26,7% |
Bất động sản | 79 | 57,2 | 72,4% |
Khác | 2 | 1,9 | 98% |
Ngoài 2 nhà máy mặt đất đã phát điện thương mại, tập đoàn này còn phát triển mảng điện mặt trời áp mái (thông qua công ty con Sao Mai Solar) để lắp pin trên các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc hệ sinh thái với công suất hơn 10 MWp, đồng thời phát triển thêm khách hàng bên ngoài.
Sao Mai bắt đầu ghi nhận riêng nguồn thu từ điện mặt trời từ năm 2019 đến nay. Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2023, tập đoàn có hơn 582 tỷ đồng doanh thu từ mảng năng lượng mặt trời, tăng 28% so với cùng kỳ và đang chiếm khoảng 6,3% tổng nguồn thu.
Dù chỉ là mảng có quy mô doanh thu lớn thứ 4 trong tập đoàn, năng lượng tái tạo lại là lĩnh vực có hiệu quả cao nhất khi mang về biên lợi nhuận gộp đến gần 75%, trở thành mảng đóng góp chủ lực cho lợi nhuận của Sao Mai.