|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các đồng tiền châu Á leo lên đỉnh 7 tháng khi triển vọng kinh tế Mỹ khởi sắc

15:18 | 19/08/2024
Chia sẻ
Chuyên gia dự đoán đồng tiền của các nước châu Á có triển vọng tăng giá trong thời gian tới nhờ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước phát triển.

(Ảnh minh họa: Lianhe Zaobao). 

Giá các đồng tiền châu Á đã leo lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng vào ngày 19/8. Các yếu tố giúp nâng đỡ tâm lý của nhà đầu tư trong khu vực bao gồm nỗi lo suy thoái tại Mỹ giảm bớt, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và triển vọng các nền kinh tế nội địa được cải thiện.

Chỉ số Asia Dollar Index của Bloomberg có lúc tăng 0,6% lên mức cao nhất kể từ tháng 1. Đồng won của Hàn Quôc và ringgit của Malaysia dẫn đầu đà tăng trong khu vực nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan. Đồng baht của Thái Lan cũng mạnh lên nhờ căng thẳng địa chính trị dịu bớt.

Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.261 đồng, tăng 7 đồng so với mức niêm yết ngày 16/8. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 23.048 - 25.474 VND/USD.

Ông Christopher Wong, chuyên gia ngoại hối tại ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp., bình luận: “Có vẻ châu Á đang bước vào một kịch bản lý tưởng, khi nỗi lo Mỹ suy thoái tan biến và động lực tăng trưởng trong khu vực được duy trì ở mức vừa phải.

Đồng tiền của các nước châu Á, trừ Nhật Bản, có tiềm năng phục hồi trong bối cảnh ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ”.

 

Tỷ giá ringgit có lúc đi lên 1,5%, đạt mức 4,3678 MYR đổi 1 USD -  cao nhất kể từ tháng 2/2023. Hôm 16/8, Malaysia báo cáo tốc độ tăng trưởng GDP quý II cao hơn dự kiến, các quỹ ngoại cũng đổ nhiều tiền vào thị trường chứng khoán nước này kể từ tháng 6.

Đồng baht nới rộng đà tăng lên 34,409 THB đổi 1 USD - cao nhất kể từ tháng 1/2024 - sau khi bà Paetongtarn Shinawatra giành đủ số phiếu để trở thành tân thủ tướng Thái Lan.

Sự kiện này giúp dập tắt mối quan ngại về khoảng trống quyền lực kéo dài tại Thái Lan sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm. Tuy nhiên, đồng baht có nguy cơ sẽ gặp trắc trở do tin đồn chính phủ mới sẽ hủy bỏ chương trình phát 14 tỷ USD cho dân.

Mối quan hệ giữa chính phủ mới và ngân hàng trung ương Thái Lan cũng sẽ thu hút sự chú ý bởi những lời chỉ trích trước đây của bà Shinawatra.

Vào cuối tuần trước, các nhà kinh tế Goldman Sachs đã hạ xác suất Mỹ suy thoái trong năm tới từ 25% xuống 20%, dựa trên dữ liệu về doanh số bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tốt hơn dự kiến. Goldman Sachs cũng “tự tin hơn” rằng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp tháng 9.

Việc nỗi lo suy thoái ở Mỹ dịu bớt là yếu tố tích cực đối với các quốc gia theo định hướng xuất khẩu của châu Á. Tỷ giá won của Hàn Quốc và peso của Philippines đều tăng mạnh so với USD.

Đồng yen có lúc tăng tới 1,2% lên 145,87 JPY đổi 1 USD trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi để có thêm manh mối về lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản. Dự kiến Thống đốc Kazuo Ueda sẽ phát biểu trước quốc hội Nhật Bản vào ngày 23/8.

Chứng khoán châu Á diễn biến tích cực trong phiên đầu tuần, chỉ số châu Á - Thái Bình Dương của MSCI đi lên gần 1%, hướng tới mức đóng cửa cao nhất trong vòng một tháng.

Ông Tomo Kinoshita, chuyên gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management Japan, nhận xét: “Thị trường đang vẽ nên bức tranh tươi sáng hơn cho các nền kinh tế châu Á trong vài quý tới”.

Ông dự kiến giới đầu tư quốc tế sẽ phân bổ nhiều tiền hơn sang cổ phiếu châu Á, đặc biệt là các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Giang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.