Các đồng tiền châu Á giảm giá mạnh trước áp lực lạm phát và kế hoạch thắt chặt của Fed
Các đồng tiền trên khắp châu Á đang chịu ảnh hưởng khi các nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi khu vực do lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc, giá hàng hóa tăng vọt và dấu hiệu lạm phát toàn cầu.
Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư đã giảm mối quan tâm của họ tới đồng won Hàn Quốc, đồng baht Thái Lan, đồng yen Nhật Bản và các đồng tiền châu Á khác khi đồng USD mạnh lên. Đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng tăng lãi suất, ước tính sớm nhất là trong năm tới.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 vào tuần trước và một số người tham gia thị trường dự đoán nó sẽ còn tăng trong năm nay, đặc biệt nếu Fed tăng tốc thắt chặt tiền tệ khi đối mặt với lạm phát cao hơn.
Dự đoán này đã gây ra chấn động với các đồng tiền châu Á. Đồng yen giảm khoảng 3% trong tháng trước, có thời điểm chạm mức yếu nhất trong gần 4 năm, ở mức 114,69 JPY/USD.
Đồng tiền của Hàn Quốc và Thái Lan đã biến động mạnh trong vài tuần qua và vẫn thấp hơn nhiều so với đầu năm: Đồng won giảm 8% tính từ đầu năm đến nay, trong khi đồng baht giảm hơn 10% và là một trong những đồng tiền có thành tích tệ nhất châu Á.
Giá hàng hoá tăng mạnh tạo áp lực lên các đồng tiền
Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, cho biết một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của Mỹ trong bối cảnh "áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng là mối lo ngại chính của các đồng tiền châu Á".
Điều này đã thúc đẩy một số quốc gia bắt đầu tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ để quản lý áp lực lạm phát. Trong một động thái bất ngờ, ngân hàng trung ương Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng này lần đầu tiên sau ba năm, cùng với các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc và New Zealand.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đột biến ở một số quốc gia khi hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Và trong khi một số nhà hoạch định chính sách đã cố gắng xoa dịu tâm lý các nhà đầu tư, giá than, khí đốt tự nhiên và dầu thô tăng đang đổ thêm dầu vào lửa.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc tăng giá năng lượng là khác nhau giữa các quốc gia. Trong khi các nhà xuất khẩu ròng nhiên liệu gặp khó khăn, các nhà nhập khẩu có thể phải chịu giá cao hơn do ngân sách của người tiêu dùng bị thắt chặt và áp lực lạm phát gia tăng.
Theo Nikkei, các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến đồng nội tệ của họ bị suy yếu. Đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm trong tháng này, khiến ngân hàng trung ương Hàn Quốc cân nhắc can thiệp.
Trong khi đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira đã giảm khoảng 10% trong tháng trước, chạm mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD. Đồng lira cũng đang chịu áp lực khi Tổng thống nước này muốn kiểm soát mạnh hơn điều hành của NHTW, sa thải các nhà hoạch định chính sách "diều hâu" và tạo áp lực giảm lãi suất.
Thứ Năm tuần trước, lãi suất cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 200 điểm cơ bản, tức 2 điểm %, nhiều hơn so với dự báo của thị trường trong kịch bản lạm phát ở mức cao.
Đồng rupee của Ấn Độ đã phục hồi nhẹ trong vài tuần qua nhưng theo David Rees, một nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Schroders, nhưng tin tức như dự trữ than đã cạn kiệt sẽ làm tăng nguy cơ tăng nhập khẩu, gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai và tạo áp lực lên đồng rupee.
Ở chiều ngược lại, Nga, với tư cách là một nước xuất khẩu nhiên liệu ròng, lại được xem là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Đồng rup Nga là một trong số ít tiền tệ toàn cầu tăng giá so với đồng bạc xanh, tăng khoảng 3% so với tháng trước.
Hay như Malaysia, báo cáo phân tích của RBC Capital Markets chỉ ra rằng nước này có thể hưởng lợi từ giá dầu tăng với tư cách là một trong số ít các nhà xuất khẩu dầu ròng ở châu Á-Thái Bình Dương. Đồng tiền của họ (ringgit) có thể tăng giá.
Những rủi ro đến từ Trung Quốc
Một mối quan tâm lớn khác treo lơ lửng trên các đồng tiền châu Á là sự bất ổn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chậm lại còn 4,9% trong quý III, thị trường bất động sản nguội lạnh và việc cắt điện ở các trung tâm công nghiệp là một trong những yếu tố.
Cùng với đó, khả năng vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande Group cũng khiến một số người lo sợ sẽ có những tác động xấu đối với nền kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu cho năm 2021, thêm vào đó là "nỗi sợ lạm phát" là một nguy cơ có thể làm chậm quá trình phục hồi của đại dịch.
Charlie Lay, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank ở Singapore, cho rằng đồng won và đồng baht có thể còn dư địa để tăng giá vào năm 2022. "Việc Thái Lan mở cửa trở lại và xuất khẩu hàng điện tử của Hàn Quốc đều là những yếu tố tích cực có thể giúp đồng tiền của họ bắt kịp đà phát triển". "
Ông Cheung của Mizuho cho biết tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia là dữ liệu quan trọng để các nhà giao dịch tiền tệ theo dõi.
"Tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, vì vậy ngay cả khi có những động thái mở lại biên giới, sự không chắc chắn về tái bùng phát dịch và triển vọng tăng trưởng có thể khiến các đồng tiền đó ở mức thấp", ông nói.
"Nhìn chung, chúng tôi tin rằng các đồng tiền châu Á có thể vẫn dễ bị tổn thương trong tương lai gần", Motoki Maruyama, người đứng đầu giao dịch tỷ giá và ngoại hối ở châu Mỹ cho biết.