Cá tra Việt Nam bao giờ mới 'bơi' ra khỏi vòng luẩn quẩn cung - cầu?
Vòng luẩn quẩn "cung - cầu"
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá cá tra tại thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn đang xu hướng giảm so với mức giá kỉ lục thiết lập vào tháng 10/2018.
Tính đến cuối tháng 2, giá cá tra chỉ còn 29.000 - 29.500 đồng/kg, giảm 19% so với mức đỉnh vào tháng 10/2018 là 36.000 đồng/kg. Dù vậy, mức giá này vẫn đảm bảo cho người nuôi có lãi.
Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết tính những ngày cuối tháng 3, có thời điểm giá cá tra rơi xuống còn 23.000 đồng/kg, người dân hòa vốn. Đây cũng là đợt giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay của ngành cá tra.
Lí giải cho điều này, ông Quốc cho biết nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu truyền thống, nhất là Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, trong khi đó sản lượng cá tra của Việt Nam vẫn không ngừng tăng.
Cũng theo ông Quốc, đây là vòng luẩn quẩn của ngành cá tra tồn tại bao nhiêu năm nay chưa có lối thoát. Do được tạo đà từ đợt tăng giá mạnh của năm ngoái, nhiều hộ dân đồng loạt mở rộng diện tích nuôi.
Theo số liệu của Bộ NN&PTN, diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hai tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 2.700 ha, sản lượng khoảng 157.1000 tấn, tăng 2,3% về diện tích và tăng 13,7% về sản lượng so cùng kì năm 2018.
Sản lượng tăng mạnh ở hầu hết tỉnh nuôi cá tra trọng điểm. Cụ thể, An Giang tăng 13,5% lên 55.600 tấn, Bến Tre tăng 22,7% lên 27.000 tấn, Cần Thơ tăng 26,3% lên 21.700 tấn.
Bộ NN&PNT ước tính sản lượng cá tra quý I năm nay có thể đạt 240.000 tấn, tăng 4,3% so với cùng kì năm ngoái.
Ở chiều tiêu thụ, ông Quốc cho biết dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra trong quý I giảm tới 40% so với cùng giai đoạn năm 2018.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, một trong những khu vực nuôi cá tra trọng điểm của Việt Nam, cho biết tình trạng thị trường cá tra bấp bênh lặp đi lặp lại nhiều năm ở tỉnh này.
"Ở Vĩnh Long, người nuôi cá tra thường nói vui với nhau rằng "trước khi nuôi cá người nghèo người khá, sau khi nuôi cá đều nghèo như nhau". Có thời gian, các hộ không đầu tư nuôi cá tra vì giá cá thấp. Nhưng sau đó, giá cá tra năm ngoái tăng mạnh, người dân lại đổ xô nuôi trở lại.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá cá tra liên tục giảm, thị trường quay trở lại trạng thái bấp bênh. Hiện nay, tỉnh cũng đang dựa vào tình thực tế để đưa ra khuyến cáo cho bà con, không thể để tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm", ông Quang chia sẻ.
Trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức cũng đã cảnh báo năm 2019 có thể dư cung cá tra nếu không kiểm soát tốt diện tích và sản lượng.
Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo việc nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch.
Giá cá tra nguyên liệu bán cho các nhà máy có thể lao dốc. Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo. Và rồi cái vòng luẩn quẩn cung - cầu lại tiếp diễn.
Giá cổ phiếu của CTCP Nam Việt (ANV), một trong những công ty chế biến cá tra lớn của Việt Nam trong vòng ba tháng (22/12/2018 - 22/3/2019) giảm gần 12% xuống 26.350 đồng/cp. Trong khi đó, VN-Index trong giai đoạn này có xu hướng đi lên (tăng 8,8%).
So sánh giá cổ phiếu của ANV với VN- Index trong 3 tháng trở lại đây. Nguồn: VNDirect
Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng nhận định, vùng nuôi cá tra của Nam Việt có diện tích hơn 300 ha cung cấp trung bình 120.000 tấn cá nguyên liệu mỗi năm.
Năm 2018, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần tăng 40% đạt 4.118 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 600 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước và là mức lãi cao nhất kể từ khi lên sàn.
Đi tìm cửa thoát...
Ông Quốc nhận định, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, ngành cá tra cần đẩy mạnh việc liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Theo đó, ở nội tỉnh, người dân cần liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp mới có kế hoạch cân đối khối lượng cá tra, từ đó hai bên kí hợp đồng nuôi.
Còn ở quy mô vùng, ông Quốc cho rằng nếu còn xảy ra tình trạng các tỉnh có thể mạnh về cá tra như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... cứ thấy giá mặt hàng này tăng lại đua nhau nuôi thì việc cung vượt cầu không bao giờ kết thúc. Do đó, ông cho rằng các tỉnh cần liên kết với nhau để cân đối về lượng nuôi
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và giám sát điều tiết hoạt động nuôi cá tra.
Nói về câu chuyện liên kết ngang giữa các doanh nghiệp, ông Quốc cho rằng đây vẫn là điểm yếu tồn tại từ bao lâu nay: "Khi giá cá xuống, các doanh nghiệp mệnh ai người đó bán để chống lỗ.
Trong khi đó, tiếng nói của các hiệp hội như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản hay Hiệp hội Cá tra vẫn còn hạn chế. Các hiệp hội chỉ dừng lại ở mức độ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước chứ tiếng nói chưa đủ mạnh để kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau".
Lạc quan về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD
Năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra lần đầu tiên đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm 2017.
Năm nay, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 - 2,4 tỉ USD nhờ những hiệp định thương mại tự do và thị hiếu người tiêu dùng ưu chuộng mặt hàng cá tra ở một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU...
Mặc dù khởi đầu năm 2019 không mấy thuận lợi, ông Quốc vẫn lạc quan rằng mục tiêu xuất khẩu cá tra năm nay đạt 2,3 - 2,4 tỉ USD không khó. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang tăng giá trị gia tăng bằng việc tận dụng các phụ phẩm từ cá tra.
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (Mã: IDI) đang đầu tư chế biến mỡ cá thành dầu ăn. Hay Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng đang tận dụng da cá để chế biến các sản phẩm có chứa collagen.
Đây cũng là định hướng của ngành thủy sản nói chung trong năm nay mà theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản gọi đây là phương pháp chế bến "Zero Waste" (tận dụng các phụ phẩm trong chế biến để sản xuất các sản phẩm khác có giá trị gia tăng).
Ông Luân cho biết thêm hiện nay, ngành cá tra đang nghiên cứu để tăng hàm lượng giá trị dinh dưỡng cho cá tra, từ đó nâng tầm con cá tra Việt Nam xuất khẩu tương đương cá hồi Na Uy.
Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) vẫn tỏ ra khá cẩn trọng khi đưa kế hoạch kinh doanh trong năm 2019 với doanh thu 4.400 tỉ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương, cho biết 4.400 tỉ đồng doanh thu trong kế hoạch là con số bất lợi nhất khi công ty loại trừ thị trường Mỹ, đưa ra trường hợp xấu nhất. Nếu đợt rà soát thuế chống bán phá giá 14 (POR 14) thành công, ông Minh kỳ vọng Hùng Vương trở về một doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra.
Ông Minh cho hay mức thuế trong POR 14 của Hùng Vương sơ bộ bằng 0. Công ty đang làm việc với bộ phận cố vấn là luật sư tại Mỹ để đạt được mức thuế tốt nhất và khả năng thành công là 80%, còn lại 20% sự rủi ro là do yếu tố chính trị.
Công ty đã phải tập trung các nhân sự để đàm phán cho kế hoạch dài hơi đối với đợt POR 14, tổng chi phí này gần 2 triệu USD.