|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá tra khó khăn đường xuất khẩu nên mới quay đầu về nước?

20:22 | 09/06/2020
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà đến thời điểm này chúng ta phải xác định thị trường nội địa để phát triển bền vững. Đặc biệt các doanh cần đẩy mạnh nghiên cứu phù hợp với ẩm thực người miền Bắc

Thị trường trong nước vẫn còn bỏ ngỏ

Phát biểu tại sự kiện kết nối sản xuất và tiêu thụ nội địa sản phẩm cá tra diễn ra chiều ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay ngành cá tra Việt Nam đang chú trọng quá nhiều đến việc xuất khẩu mà quên đi thị trường trong nước.

Cá tra khó khăn đường xuất khẩu nên mới quay đầu về nước? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Đức Quỳnh

Hiện nay, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 141 quốc gia, tuy nhiên, ngành này liên tục chồi sụt qui luật 3 - 5 năm/lần, hiện nay giá cá tra đang dưới giá thành, chỉ mức 18.000 - 19.000 đồng/kg. 

"Đó là điều bất hợp lí. Tại sao cá tra Việt Nam chiếm 95% thị phần thế giới lại chấp nhận sự chồi sụt như vậy? Chúng ta phải có giải pháp. Chúng ta chú ý quá nhiều đến thị trường xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định. 

Bộ trường cho rằng ngành cá tra không thể trong thời gian ngắn mở rộng thị trường xuất khẩu mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức, cố đến mức doanh nghiệp Việt Nam chế biến 60 loại sản phẩm mà vẫn chưa có giá trị tương xứng. 

COVID-19 vừa qua làm cho chuỗi cung ứng cá tra Việt Nam đứt gãy. Tính đến hết tháng 3 sản lượng cá tra xuất khẩu giảm mạnh 29% so với cùng kì.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn mặt hàng ca tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được. 

Nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế; đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng.

"Không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà đến thời điểm này chúng ta phải xác định thị trường nội địa để phát triển bền vững. Đặc biệt các doanh cần đẩy mạnh nghiên cứu phù hợp với ẩm thực người miền Bắc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần làm gì để phát triển thị trường trong nước? 

Bộ trưởng cho rằng để phát triển tiêu thụ cá tra trong thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần nghiên cứu những sản phẩm phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng. Thứ hai là cần chú ý những tiêu chuẩn, qui chuẩn ở thị trường nội địa.

"Có những tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn thị trường châu Âu, châu Mỹ lại chưa phù hợp với chúng ta. Ví dụ con cá đòi hỏi độ dai, độ săn chắc cao hơn. Đây là chỉ thị để các nhà sản xuất hướng vào đảm bảo từng phân khúc thị trường có sản phẩm phù hợp nhất. 

Đã đến lúc thị trường trong nước cũng phải có yêu cầu khắt khe như thị trường xuất khẩu. Đó là bước tiến bộ về mặt tiêu thụ sản phẩm của chính đất nước chúng ta", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng nếu khai mở thị trường trong nước ngành cá tra sẽ có hai tác dụng. Đầu tiên là giảm áp lực xuất khẩu. Lợi ích thứ hai là khai thác được thị trường 100 triệu dân, mở rộng được sản lượng, kích thích sản xuất. 

Như vậy, vừa tăng được sản lượng, vừa tăng được giá trị sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm đa dạng hơn để người dân có lựa chọn tốt hơn.

“Ví dụ bây giờ giá thịt heo cao tại sao không lựa chọn chọn gà, cá, trứng. Cá tra cũng sẽ là lựa chọn mới cho người tiêu dùng ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.  

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm nay ngành cá tra đặt mục tiêu xuất khẩu trên 2 tỉ USD, đồng thời đánh dấu năm đẩy mạnh việc tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa. 



H.Mĩ