Bị COVID-19 cản đường, cá tra Việt Nam có về đích 2,2 tỉ USD năm 2020?
Kim ngạch xuất khẩu và giá cá tra đều lao dốc
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cá tra trong tháng 4 ước đạt 126 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 420 triệu USD, giảm tới gần 32% so với cùng kì năm 2019.
Giá cá tra tại ĐBSCL giảm 500 đồng/kg so với tháng 3, ở mức khoảng 18.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con).
Theo số liệu của Tổng Cục Thủy sản, chi phí sản xuất cá tra là 21.000 - 22.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá chỉ 18.000 đồng/kg, người dân đang lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Nhu cầu bắt cá nguyên liệu trên thị trường duy trì ở mức thấp. Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.
Trao đổi với người viết ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết tình hình tiêu thụ cá chậm, người dân buộc phải nuôi cầm chừng bằng việc cho ăn ngắt quãng nhằm kéo dài thời gian thu hoạch và giảm chi phí.
Kể từ đầu tháng 4, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng giao dịch trầm lắng hơn do sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu từ hầu hết các thị trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam, hiện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), không chỉ riêng sản phẩm cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, sản phẩm cá thịt trắng của Nga cũng đang bị giảm giá do các nhà máy chế biến của Trung Quốc đóng cửa suốt 2 tháng đầu năm và mới mở cửa trở lại.
Trước khi đi vào làm việc, toàn bộ công nhân của các nhà máy tại Trung Quốc bị cách li 14 ngày, tình trạng khan hiếm công nhân cũng khiến cho nhà máy chưa thực sự ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020, các nhà máy chế biến cá thịt trắng, cá rô phi của Trung Quốc cũng đã đi vào ổn định.
Ở các thị trường như khác như EU, Brazil, Mexico, chỉ tính riêng từ đầu năm đến giữa tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự lao dốc mạnh.
Theo đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm 25,2%; EU giảm 47,3%; Brazil giảm 14,3%, Mexico giảm 57,5% so với cùng kì năm trước.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới thị trường EU khi hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao nhận không thể thực hiện được do chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Các ông lớn ngành cá tra chịu "cú đấm" mạnh từ COVID-19
Tình hình khó khăn đã khiến lợi nhuận của các “ông lớn” trong ngành giảm sút. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, lãi trước thuế và lãi sau thuế của Navico lần lượt đạt 52 tỉ đồng và 43 tỉ đồng, tương ứng giảm 78% và 79% so với cùng kì năm trước
Đồng thời, đây cũng là quí có kết quả kinh doanh thấp nhất trong hơn hai năm trở lại đây.
Navico cho biết tuy đà giảm kim ngạch xuất khẩu ở các thị trường Trung Quốc, EU và Đông Nam Á đã suy yếu trong tháng 4 so với tháng 3 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty trong 4 tháng đầu năm vẫn giảm 19,7% so với cùng kì xuống 28,5 triệu USD.
Đông Nam Á là thị trường duy nhất có mức tăng mạnh việc nhập khẩu từ Navico (tăng 16% so với cùng kì) dù ảnh hưởng của dịch COVID-19
Trong báo cáo thường niên 2019, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT của Navico cho biết khởi đầu năm 2020 công ty phải đối mặt với một thách thức lớn từ dịch bệnh COVID-19
“Ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Navico là sự cắt giảm đột ngột của thị trường Trung Quốc”, ông Tới cho hay.
Tính đến hết tháng 4, thị phần của Navico tại Trung Quốc đạt 11,5%. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 33% so với cùng kì năm ngoái xuống 3,3 triệu USD.
Theo ông Tới, Navico vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng với công suất thấp hơn.
“Chúng tôi đã sắp xếp lịch làm việc thay phiên để không có công nhân nào phải mất việc cũng như giữ được mức lương và phúc lợi ổn định”, ông Tới nói.
Tương tự, CTCP Vĩnh Hoàn cũng chịu “cú đấm” mạnh từ dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất khẩu cá tra gặp khó khăn.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quí I giảm tới 72% xuống còn 65 tỉ đồng. Theo báo cáo giải trình, công ty lí giải việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh như vậy là do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19.
Vĩnh Hoàn cho biết trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cá tra của công ty giảm 26% so với tháng 3 xuống 343 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này cao hơn so với cùng kì năm ngoái 33%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của công ty sang thị trường Mỹ giảm sâu tới 48% so với tháng 3 xuống còn 153 tỉ đồng do hàng loạt nhà hàng của nước này phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Khó đạt mục tiêu trong năm nay
Trong năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam mục tiêu này khó lòng đạt được khi 4 tháng đầu năm kim ngạch mới chỉ đạt 420 triệu USD.
Ngành cá tra đang chịu thiệt hại kép từ tình trạng dư cung kéo dài từ năm 2019 và dịch COVID-19 trong năm 2020.
Ông Quốc khẳng định nếu không nhanh chóng có giải pháp hợp lí, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỉ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.
Tình hình hiện nay mới chỉ có Trung Quốc bắt đầu mua hàng trở lại. Trong khi đó, ở các thị trường khác vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch COVID-19.
Theo số liệu của VASEP, thị trường Trung Quốc - Hong Kong chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
“Cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc – Hong Kong đang phục hồi. Tuy nhiên, tại các thị trường khác vẫn còn bị ảnh hưởng của COVID-19.
Do đó, ít nhất hết quý II/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra tại hầu hết các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước”, VASEP cho biết.
VASEP kiến nghị để thích ứng với thị trường, người nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì việc chủ động cân đối sản lượng nuôi và sản xuất, chế biến.