|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá tra đối mặt với cuộc chiến tên gọi 'catfish'

06:30 | 13/04/2017
Chia sẻ
Nếu quay trở lại với tên gọi cũ "catfish", cá tra Việt Nam có thể phải đối mặt với hàng loạt các quy định, kiểm tra khắt khe liên quan đến chất lượng sản phẩm. Không những vậy, với tên gọi “catfish”, ngành cá tra đứng trước nguy cơ mất thương hiệu "tra fish" đã xây dựng sau nhiều năm.
ca tra doi mat voi cuoc chien ten goi catfish
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Cá tra Việt Nam chịu thiệt thòi

Mới đây Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, từ ngày 1/9/2017, cá da trơn và cá tra sẽ được chính quyền Mỹ gọi với một tên gọi thống nhất là "catfish". Bên cạnh đó, sản phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Điều này có nghĩa là thanh tra của USDA sẽ kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ương trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng.

VASEP dẫn lời SeafoodSourse cho hay, 90% cá tra bán tại Mỹ là nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tăng cường kiểm tra có thể được xem là một cách hợp lý nhưng phải nhấn mạnh rằng, cá tra Việt Nam đã được bán thành công tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm vừa qua và chưa có trường hợp nào cá tra gây hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tử Cương - Trưởng Ban Phát triển thuỷ sản bền vững, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Ông Cương nhận định, đây là vấn đề khá phức tạp liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ và là vấn đề tốn nhiều giấy mực.

"Đây là vấn đề tốn quá nhiều giấy mực rồi. Trước đây, 'catfish' trong tiếng anh chỉ tất cả các loài cá nằm trong nhóm cá da trơn, cá không có vẩy. Với định nghĩa này, không chỉ có loài cá nheo nuôi tại Mỹ mà bao gồm cả cá tra, basa nuôi tại Việt Nam, rộng ra nữa là lươn, trạch, cá trê, trình… đều là 'catfish'.

Vào những năm đầu tiên khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, cơ quan nước này không cho sản phẩm cá tra Việt Nam được mang tên 'catfish'. Bởi vậy, để có thể xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ, Việt Nam đã đổi tên đủ thứ tên gọi như tra, basa, ngay cả dùng tiếng La-tin.

Thời gian gần đây, Mỹ lại có ý định bắt mình quay lại dùng từ "catfish". Điều đó có thể gây ra khó khăn cho ngành mà trước hết là người tiêu dùng sẽ nghĩ sản phẩm cá tra, basa Việt Nam mà họ quen dùng đâu rồi. Việc đổi tên gọi thì phải thay đổi cả thói quen gọi tên sản phẩm của người tiêu dùng.

Thứ hai là tất cả những sản phẩm thuộc nhóm “catfish” sẽ được USDA yêu cầu áp dụng một chương tình kiểm soát giống như chúng ta đang làm VietGAP. Sau đó USDA sẽ qua để kiểm tra và đánh giá xem sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không. Tóm lại, phía Mỹ đang tạo rào cản với cá tra Việt Nam". - Ông Cương cho hay.

Cũng theo VASEP, ngành cá tra Việt Nam có lẽ là ngành công nghiệp thủy sản được quy định chặt chẽ nhất trên thế giới. Các trại nuôi được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập và có uy tín như: ASC, BAP và GlobalG.A.P…trong khi các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam lại đáp ứng tiêu chuẩn HACCP cũng như các chứng nhận IFS và BRC. Các chứng nhận này đều chấp thuận để Việt Nam xuất khẩu cá tra sang EU - thị trường nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Cạnh tranh không bình đẳng?

Theo tin từ VASEP, ngành công nghiệp cá da trơn Mỹ chưa tận dụng hết được tiềm năng của mình và cũng không thể tự mình đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường tiềm năng Mỹ. Đây chính là lý do vì sao họ phải bằng mọi giá để loại cá tra Việt Nam ra khỏi thị trường nội địa.

Đồng quan điểm này, ông Cương cho hay: "Thực ra doanh nghiệp sản xuất cá tra tại Việt Nam cũng không lạ lẫm gì với vấn đề này, bởi đây cũng chính là cách cạnh tranh không bình đẳng. Việc Mỹ không chạy đua nổi với cá tra của Việt Nam nên phải tìm cách cản trở. Hiện nay, dưới thời Tổng thống Donald Trump đưa ra các chính sách bảo hộ hàng trong nước nên quy định này được xới ra và có thể thực thi".

Mặt khác ông Cương cho rằng, chưa chắc vấn đề này đã được thông qua vì việc đổi tên đã được đưa ra bàn trong bộ Luật Nông nghiệp 2008 (Farm bill 2008), trong đó, gộp cả hai nhóm Ictalurus và Pangasius (Ictalurus là loài cá da trơn có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ và Pangasius là loài cá da trơn nhập khẩu từ nước ngoài – chủ yếu là từ Việt Nam) dưới tên gọi chung là "catfish". Tuy nhiên sau đó, vấn đề này chưa được triển khai nên đây cũng là vấn đề không hề mới.

Ông Cương cũng nhấn mạnh, hiện nay,sản xuất cá tra của Việt Nam cũng đang áp dụng tiêu chuẩn Vietgap gần với tiêu chuẩn của Mỹ nên cũng không quá sợ trước các quy định khắt khe của thị trường này.

"Chúng ta cũng không nên đổi từ xuất khẩu cá tra từ thị trường Mỹ sang thị trường Trung quốc bởi dù sao thị trường Trung Quốc cũng tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến giá, việc thu mua ồ ạt..."

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Cá tra cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử một đoàn cán bộ có thành viên của Hiệp hội cá tra, VASEP và một số doanh nghiệp chế biến thủy sản sang Mỹ và đang đàm phán để đưa ra những quyết định cuối cùng xoay quanh vấn đề tên gọi 'catfish'.

Hồng Vũ