|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê Việt đứng trước nguy cơ mất thị phần về tay Brazil do chi phí logistics tăng cao

16:28 | 24/08/2021
Chia sẻ
7 tháng đầu năm nay, Mỹ và các nước châu Âu giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam nhưng tăng nhập khẩu từ Brazil do chi phí vận chuyển thấp hơn.

Nguy cơ mất thị phần do chi phí logistics tăng cao 

Hiện nay, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao bất chấp giá tăng mạnh. Tuy vậy, tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu vẫn là hạn chế lớn nhất đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới.

Và đối thủ lớn nhất của cà phê Việt là cà phê từ Brazil bởi ưu thế về giá.

Cà phê robusta xuất khẩu (FOB) của Việt Nam đang có giá khoảng 1.900 USD/tấn, thấp hơn mức 2.000 USD/tấn của cà phê Brazil. Tuy nhiên, giá cước vận tải từ Việt Nam cao gấp gần 4 lần khiến giá cà phê Việt bị đội lên cao hơn hẳn so với Brazil.

Trong khi chi phí chuyển một container từ Brazil tới Mỹ chỉ khoảng 4.000 USD thì giá cước từ Việt Nam đi Mỹ đã lên đến 13.000 – 14.000 USD. Đầu năm 2020, chi phí này chỉ mất khoảng 2.000 - 3.000 USD.

Không chỉ chặng đi Mỹ, giá cước chở container trên các tuyến từ Việt Nam đi châu Âu cũng tăng rất mạnh trong thời gian qua. Điều này khiến cho cà phê của Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm của Brazil hay các nước Nam Mỹ khác.

Thực tế cho thấy trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,1% đạt 965.900 tấn, trị giá 1,8 tỷ USD. Giá xuất khẩu cà phê 7 tháng đạt trung bình 1.846 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong tháng 7, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 122.300 tấn, giảm 4,5% so với tháng 6 nhưng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành cà phê - Ảnh 1.

(Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Brazil trong 7 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, theo số liệu của Cổng thông tin Chính phủ Liên bang Brazil.

Trong đó, lượng cà phê của Brazil xuất khẩu sang EU, Mỹ tăng lần lượt là 13,7% và 17,8%, trái ngược hoàn toàn so với sự sụt giảm xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hai thị trường lớn này trong 7 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu sang EU trong 7 tháng giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 341.800 tấn và xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 17,5% sau 7 tháng, đạt 73.600 tấn.

Không những vậy, cà phê Brazil cũng đang khá cạnh tranh tại các thị trường khác như Nhật Bản, Nga, Anh, Algeria…

Từ đầu quý III/2021, xuất khẩu cà phê của Brazil cũng đã bắt đầu gặp những khó khăn về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng cao, nhưng nhìn chung Brazil vẫn có lợi thế trong xuất khẩu cà phê sang Mỹ và châu Âu so với các nhà cung cấp châu Á, trong đó có Việt Nam nhờ chi phí logistics thấp hơn.

Trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 143.376 tấn, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 7 cũng là tháng đầu tiên của niên vụ cà phê mới (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022), do đó các nhà phân tích dự đoán lượng cà phê xuất khẩu của Brazil sẽ tăng lên trong những tháng tới.

Vẫn có những điểm sáng

Trong khi chi phí vận tải tăng cao và tình trạng thiếu container vận chuyển tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá các mặt hàng tăng cao thì điểm đáng mừng với thị trường cà phê là nhu cầu tiêu thụ dường như không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt là nhu cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo Bloomberg, giá cà phê arabica thế giới đã tăng 50% trong 12 tháng qua, chạm mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 7 sau khi hạn hán và sương giá làm hư hại cây cà phê tại Brazil, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, báo hiệu nguồn cung thế giới thắt chặt trong ít nhất hai năm tới.

Ngân hàng Rabobank dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 168,8 triệu bao (loại 60 kg) trong năm nay từ 164,8 triệu bao của năm ngoái.

Tại Việt Nam, mặc dù lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 7 giảm so với tháng trước nhưng điểm sáng là xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là EU và Mỹ tăng 11,1% và 46,2% so với tháng trước và tăng 49,3% và 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt là 93.200 tấn và 12.800 tấn.

Cùng với đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường châu Á lại tăng đáng kể so với 7 tháng năm ngoái như Trung Quốc tăng 50,2%, Malaysia tăng 8%, Hàn Quốc tăng 9%...

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại  TP HCM và các tỉnh thành phía Nam khiến nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội có thể tác động tiêu cực tới tình hình xuất khẩu cà phê vốn đã nhiều thách thức.

So sánh khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam và Brazil trong 7 tháng đầu năm 2021

Chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành cà phê - Ảnh 3.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cổng thông tin Chính phủ Liên bang Brazil)

Hoàng Hiệp