Vị thế dẫn đầu cà phê robusta của Việt Nam đang bị đe dọa bởi Brazil?
Brazil đang chú ý hơn đến cà phê robusta
Theo Reuters, Brazil, quốc gia đứng đầu thế giới về cà phê, đang chuyển dần sang trồng cà phê robusta (loại cà phê có vị đắng và gắt hơn, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt), trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang thay đổi. Đồng thời đây được coi là bước đi định hình hương vị cà phê được yêu thích trong tương lai.
Từ trước đến nay, Brazil luôn được coi là quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng gần như không thay đổi. Trong khi đó, năng suất của cà phê robusta, loại cà phê có giá rẻ hơn nhiều so với arabica, lại ngày một tăng, hấp dẫn các nhà nhập khẩu trên thế giới hơn.
Việc mở rộng cà phê robusta của Brazil đang là thách thức đối với Việt Nam vốn đang đứng đầu là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta đứng đầu thế giới. Đồng thời, điều này còn gây sức ép đối với các nước sản xuất với quy mô nhỏ hơn, khiến sản lượng ngày càng tập trung vào một số ít khu vực và gia tăng khả năng tăng giá nếu hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra.
Đồng thời, điều này còn hứa hẹn sẽ dần thay đổi khẩu vị cà phê của người tiêu dùng trong vài năm tới, nghiêng nhiều hơn về loại cà phê có vị đắng, hàm lượng caffein cao vốn là đặc trưng của hạt cà phê robusta.
Loại cà phê này hiện đang được dùng phổ biến trong sản xuất cà phê hòa tan. Tuy nhiên, trong tương lai cà phê robusta được kỳ vọng sẽ được sử dụng nhiều hơn ở dạng rang xay tại các cửa hàng Café, lấn át vị thế độc tôn hiện tại của hạt arabica.
Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về canh tác cà phê, ông Enrique Alves nhận định cho biết năng suất của robusta cao gấp đôi so với arabica khi dùng cùng một công nghệ trồng trọt, thu hái.
Hạt arabica chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê toàn thế giới, có hậu vị ngọt và đa dạng hơn so với cà phê robusta. Do đó, giá trị của arabica cao gấp đôi so với robusta.
Vị cà phê robusta có thể không ngon bằng arabica nhưng lại cho năng suất cao và khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt tốt hơn.
Carlos Santana, một thương nhân cà phê Brazil nhận định: “Trong tương lai gần, thế giới sẽ dùng nhiều cà phê robusta của Brazil”.
Trong vòng 3 niên vụ qua, sản lượng cà phê robusta của Brazil tăng khoảng 20% lên 20,2 triệu bao (loại 60 kg/bao), theo số liệu cảu Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trong khi đó, sản lượng của Việt Nam giảm 5% xuống 28 triệu bao.
Vị thế cà phê Việt Nam đang bị đe dọa?
Hiện Việt Nam đang đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu cà phê robusta với 23,6 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020. Đứng thứ hai là Brazil với lượng khoảng 4,9 triệu bao.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi trên thị trường quốc tế đối với Brazil. Thông thường toàn lượng cà phê robusta được tiêu thụ hết ở thị trường nội địa.
Năng suất cà phê robusta của cao hơn nhiều so với các đối thủ, trung bình khoảng 2,5 tấn/ha. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ khoảng 1,1 tấn/ha.
Tuy nhiên, trong 20 năm qua, Brazil đã nghiên cứu để cải thiện hương vị, sức chống chịu của hạt robusta, giúp năng suất tăng tới 300% lên mức tương đương so với Việt Nam.
Luiz Carlos Bastianello, một nông dân tại bang Espirito Santo cho biết có những nông trại thậm chí đạt năng suất 12 tấn/ha.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Cà phê - Cacao (Vicofa) sản lượng cà phê sẽ tiếp tục giảm trong niên vụ tới do người dân trồng xen canh các loại cây ăn quả nhằm tối ưu hiệu quả kinh tế.
Ông Trần Đình Trọng, chủ nhiệm HTX Cà phê Công Bằng, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Việc trồng sầu riêng và mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn so với cà phê”.
Tuy nhiên, việc sản lượng cà phê giảm cũng đã góp phần đẩy giá mặt hàng này tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Trả lời Reuters, ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích độc lập ngành cà phê rằng Nestle đang thay thế một phần cà phê robusta của Việt Nam bằng cà phê robusta của Brazil.
Công ty này đang đầu tư 700 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Mexico. Tuy nhiên, Nestle từ chối bình luận về việc liệu rằng công ty có sử dụng cà phê robusta của Brazil để làm nguyên liệu cho nhà máy tại Mexico hay không.