|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường cà phê tháng 7: Giá cà phê robusta chạm mức kỷ lục

14:33 | 19/08/2021
Chia sẻ
Thị trường cà phê tháng 7 nổi bật với thông tin giá cà phê robusta trên thị trường thế giới đạt mức kỷ lục, tiến gần đến ngưỡng 2.000 USD/tấn. Cùng lúc giá cà phê arabica đạt mức cao nhất trong 7 năm.

Trong báo cáo tháng 7, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ước tính tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ cà phê 2020-2021 tăng nhẹ 0,4% đạt 169,6 triệu bao (60 kg/bao). Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự kiến tăng 2,3% còn cà phê robusta giảm 2,1%. 

Trong tháng 7, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 do băng giá nghiêm trọng ảnh hưởng tới các trang trại cà phê tại Brazil làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. 

Ở thị trường Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết sản lượng cà phê robusta trong mùa tới có thể tiếp tục giảm do nông dân tăng cường trồng xen canh các loại cây ăn quả, hạt và rau. 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích cà phê của Việt Nam năm 2020 là 680.000 ha, giảm khoảng 2% so với năm 2019 và có thể giảm xuống 675.000 ha năm 2021. 

Xuất khẩu cà phê tháng 7 đạt 122.293 tấn trị giá 235 triệu USD giảm lần lượt 4,5% và 5,4% về lượng và giá trị so với tháng 6. 

Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ khoảng 2% trong tháng 7 nhờ đà tăng giá cà phê trên thế giới, dao động trong khoảng 35.900 - 36.800 đồng/kg. 

Đầu tháng 8, nguy cơ gián đoạn hoạt động của cảng Cát Lái, nơi tập trung xuất khẩu cà phê phía Nam, ảnh hưởng xấu đến tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp và chất lượng cà phê. 

Kết thúc quý II, nhiều doanh nghiệp cà phê đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, có công ty báo doanh thu tăng gấp 16 lần. 

Doanh thu đi lên song giá vốn và các chi phí đội lên đã ăn mòn lợi nhuận của nhiều công ty. 

ICO dự báo tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 đạt 167,58 triệu bao, tăng 1,9% so với 164,43 triệu bao của niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,8% so với 168,5 triệu bao trước khi đại dịch bùng phát. Cán cân cung cầu dự kiến sẽ đảo chiều từ niên vụ cà phê 2021-2022.

H.Mĩ - Minh Hằng, thiết kế: Justin Bùi