Cà Mau đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 MW điện từ năng lượng tái tạo
Cà Mau dự kiến xuất khẩu điện năng lượng tái tạo từ năm 2031
Chiều ngày 7/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc tại tỉnh Cà Mau để giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và danh mục các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000 MW điện gió, 60 MW điện mặt trời, 24 MW điện sinh khối.
Kết quả thực hiện đến nay, tỉnh có 16 dự án điện gió; đối với điện mặt trời, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, tỉnh đang xem xét về chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.219 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,5 MW sử dụng công tơ hai chiều để hòa lưới điện quốc gia.
Về điện sinh khối, tỉnh đã có 1 dự án 24 MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang vận hành Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, tổng công suất thiết kế 1.500 MW; trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Cà Mau không quy hoạch bổ sung.
Ông Lâm Văn Bi nêu rõ tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,5%/năm, thấp hơn dự báo nhu cầu điện theo quy hoạch được duyệt (11,6%/năm).
Tổn thất điện năng trên lưới điện trong giai đoạn 2016 - 2021 có xu hướng giảm dần, năm 2016 tỷ lệ 8%, đến năm 2021 tỷ lệ 5,45%, điều này thể hiện việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện, tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau. Đến nay, nội dung dự thảo Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện, UBND tỉnh Cà Mau đã trình Bộ Công Thương thẩm định, mục tiêu xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2031 là 2.000 MW, đến năm 2035 là 3.000MW, đến năm 2040 là 5.000 MW kết hợp với sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng mới.
Xuất khẩu điện còn nhiều vướng mắc
Liên quan đến việc xuất khẩu điện, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết đây là vấn đề mới, còn vướng các quy định về điện lực và nhiều vấn đề khác như: Quản lý biển, môi trường, quốc phòng an ninh…
Do vậy, tỉnh Cà Mau mong Quốc hội quan tâm hỗ trợ, ngành Công Thương sớm có những quy định về hành lang pháp lý phù hợp để triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Cà Mau cũng có nhiều kiến nghị liên quan đến việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh Cà Mau kiến nghị đoàn giám sát xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền ban hành giá mua điện chính thức cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời, để thu hút thêm nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy hoạch được phê duyệt.
Tỉnh cũng đề xuất đoàn giám sát xem xét, đề nghị các Bộ, ngành liên quan sớm thẩm định Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, tạo cơ hội để tỉnh Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; đề nghị cấp thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện dự án năng lượng tái tạo không nối lưới để sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty khí Cà Mau và Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, tỉnh Cà Mau kiến nghị đoàn giám sát xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, có phương án tăng cường nguồn cấp khí; đồng thời, quan tâm, có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường huy động sản lượng điện của Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.
Về việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại Hà Nội và TP HCM) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%; từ đó kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh.
Vì vậy, tỉnh Cà Mau đề xuất đoàn giám sát có ý kiến với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, thành lập mới chi nhánh tại tỉnh Cà Mau hoặc bổ sung trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, để kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau và các cơ quan liên quan về sửa đổi, hoàn thiện những chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh báo cáo giám sát và gửi lại cho đoàn trước ngày 15/8.