|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BVSC: Ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng 5-10%, cơ hội đầu tư đến từ câu chuyện thoái vốn

08:00 | 03/01/2022
Chia sẻ
BVSC nhận định ngành bảo hiểm vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5-10% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bảo hiểm cá nhân. Cơ hội đầu tư trong ngành có thể sẽ đến từ những doanh nghiệp còn câu chuyện thoái vốn và P/B thấp.

Tại báo cáo Chiến lược đầu tư 2022 mới phát hành, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định ngành bảo hiểm vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5-10% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bảo hiểm cá nhân khi kinh tế phục hồi.

Cùng với đó là tăng trưởng doanh thu bảo hiểm bán buôn như tài sản, cháy nổ được hỗ trợ bởi giá dầu duy trì ở mức cao, các dự án đầu tư công có giá trị lớn, cùng giao thương quốc tế phục hồi.

Trong dài hạn, ngành bảo hiểm vẫn tương đối tích cực khi tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm đang ở mức khác thấp so với khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người nhìn chung có xu hướng gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2022 có thể cải thiện so với năm 2021 khi lãi suất sẽ không còn nhiều khả năng có thể giảm thêm, và kỳ vọng gia tăng nhẹ từ nửa cuối năm 2022.

Trong năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng doanh thu phí vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, cho thấy năng lực khai thác cũng như nhu cầu về các sản phảm bảo hiểm của người dân và các doanh nghiệp tương đối tốt. 

"Đây là nền tảng giúp doanh thu có thể hồi phục nhanh khi các hoạt động kinh tế ổn định trở lại. Ước tính tăng trưởng doanh thu toàn ngành trong quý IV đạt 5-6%, giúp tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2021 ở mức 8%, thấp hơn so với trung bình năm 2020 là 14%," báo cáo nhận định.  

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế có sự biến động tương đối lớn. Theo BVSC, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư khi thị trường giảm và ghi hoàn nhập khi thị trường tăng. Bên cạnh đó, chi phí bồi thường giảm cũng góp phần làm biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng cao hơn.

BVSC: Ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng 5-10%, cơ hội đầu tư đến từ câu chuyện thoái vốn - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC.

Cơ hội đến từ câu chuyện thoái vốn

Theo quan sát các giao dịch M&A của doanh nghệp bảo hiểm trong quá khứ, BVSC cho biết các công ty thuộc top đầu khi bán cổ phần trên 10% thường được các nhà đầu tư trả giá trung bình 2,15x. 

Như vậy, mức định giá hiện tại cho các doanh nghiệp có kì vọng thoái vốn như MIG và BMI, hay gần đây nhất là PTI (với P/B xấp xỉ 2x) là hợp lý.

Tuy vậy, việc tăng nóng của những cổ phiếu đầu ngành đã kéo theo sự tăng giá của các cổ phiếu khác, khiến mức định giá trung bình toàn ngành tăng lên 1,7x từ mức 1,2x. Nhóm phân tích cho rằng đây là mức định giá tương đối cao do đó sẽ không được bền vững, khi mức định giá phần nào đã phản ánh trước những yếu tố cơ bản trong năm 2022.

Do đó, cơ hội đầu tư trong ngành có thể sẽ đến từ những doanh nghiệp còn câu chuyện thoái vốn và đang có mức P/B thấp so với ngành, cùng năng lực cạnh tranh tốt nhờ lợi thế thị phần như PVI.

Trong năm 2021, sự tăng giá mạnh, đặc biệt trong điều kiện lãi suất duy trì ở mức thấp đến từ Dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm; việc áp dụng quy định “không hạn chế” đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài và kỳ vọng thoái vốn tại một số doanh nghiệp.

BVSC: Ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng 5-10%, cơ hội đầu tư đến từ câu chuyện thoái vốn - Ảnh 2.

BVSC: Ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng 5-10%, cơ hội đầu tư đến từ câu chuyện thoái vốn - Ảnh 2.

Nguồn: BVSC.

Phương Nga