|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BVSC: Khu vực tiêu dùng đang đối diện nhiều khó khăn từ tăng trưởng kém tích cực của kinh tế trong nước và thế giới

06:57 | 04/08/2023
Chia sẻ
Dù vậy, BVSC vẫn kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn trong các tháng tới nhờ một số yếu tố như thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%; lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2023; và mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh giúp lãi suất cho vay tiêu dùng kỳ vọng giảm thêm.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nói về khó khăn của khu vực tiêu dùng trong nước. 

Tổng mức bán lẻ trong tháng 7/2023 ước đạt 512.170 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cùng kỳ và 1,12% so với tháng trước.

Về cơ cấu, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (78%). Tất cả các mảng đều duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng đà tăng tiếp tục thu hẹp đáng kể so với các tháng trước.

Theo BVSC, đáng chú ý, với mảng du lịch lữ hành, đây là tháng đầu tiên sau 1 năm rưỡi, tăng trưởng so với cùng kỳ của mảng này chỉ ghi nhận ở mức 1 chữ số.

 

 Nguồn: BVSC.

Khối phân tích nhận định tăng trưởng tiêu dùng đang đối diện với nhiều khó khăn từ tăng trưởng kém tích cực của cả kinh tế trong nước (khiến nhu cầu nội địa giảm) và kinh tế thế giới (khiến du lịch lữ hành tăng trưởng chậm lại).

Dù vậy, BVSC vẫn kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn trong các tháng tới nhờ một số yếu tố như thuế VAT chính thức giảm từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng từ ngày 1/7/2023; lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2023; và mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh giúp lãi suất cho vay tiêu dùng kỳ vọng giảm thêm, qua đó có thể kích thích tiêu dùng trong nước. 

Mới đây, tại tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023, nói về việc kích thích tổng cầu, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân  cho rằng cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.

Ông nhấn mạnh cần giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động  do giảm lãi suất chính sách đã đến điểm giới hạn.

Tuy nhiên chính sách kích cầu đầu tư tư nhân cũng gặp một số rào cản như tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lạm phát cơ bản giảm chậm dẫn tới ít không gian để giảm thêm lãi suất huy động. Hơn nữa còn gặp giới hạn về lãi suất thực dương; bất ổn tỷ giá.  

Chuyên gia cho biết thêm, chính sách kích thích bằng biện pháp tiền tệ ít hiệu quả với kích thích đầu tư của khu vực doanh nghiệp khi doanh nghiệp vẫn còn bi quan về triển vọng nền kinh tế và khi sức cầu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp còn thấp. Vì vậy trong giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa.   

Anh Đào