BVSC dự báo lợi suất TPCP tăng nhẹ nhờ lạm phát và tỷ giá được Chính phủ kiểm soát tốt
Thị trường TPCP đang dần phát triển theo chiều sâu | |
Phát hành trái phiếu Chính phủ ế ẩm 5 tháng đầu năm |
Lợi suất TPCP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ (Ảnh minh hoạ) |
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cung trái phiếu chính phủ (TPCP) trong hai quý cuối năm sẽ tăng so với đầu năm trong khi nguồn cầu từ các ngân hàng bị ảnh hưởng do thanh khoản không còn dư thừa và chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN.
Trên cơ sở đó, công ty này cũng dự báo lợi suất TPCP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, BVSC thiên về khả năng lạm phát và rủi ro tỷ giá sẽ được Chính phủ kiếm soát tốt nên mức tăng của lợi suất TPCP từ giờ tới cuối năm sẽ được giới hạn ở mức dưới 50 điểm.
Trong thời gian qua, lợi suất TPCP bật tăng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Sau khi lập đáy trong quý I/2018 với mức 3% cho kỳ hạn 5 năm; 4% cho kỳ hạn 10 năm; 5,4% cho kỳ hạn 30 năm, lợi suất TPCP đã và đang có xu hướng bật tăng mạnh kể từ đầu tháng 7 đến nay.
Nguồn: BVSC |
Cụ thể, lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp kỳ hạn 5 năm ngày 24/8 đã đạt mức 4,65%/năm; kỳ hạn 10 năm đạt mức 5,2%/năm – tức tăng 100-120 điểm cơ bản so với mức đáy.
Đáng chú ý, lợi suất các kỳ hạn ngắn như 5 năm (tăng 1,65%) có xu hướng tăng mạnh hơn so với các kỳ hạn dài 10 năm (tăng 1,1%).
Mặc dù mức chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 5 năm và 10 năm vẫn đang ở mức an toàn, BVSC vẫn cho rằng xu hướng giảm mạnh của mức chênh lệch này rất cần được nhà đầu tư lưu ý trong thời gian tới. Nếu lợi suất các kỳ hạn ngắn tiếp tục tăng nhanh hơn kỳ hạn dài, đường cong lợi suất sẽ ngày càng phẳng.
BVSC nhận thấy, khi so sánh tương quan với các nước trong khu vực thì lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hiện đang thấp hơn Indonesia, Phillippines trong khi cao hơn so với Thái Lan và Malaysia.
Có những thời điểm vào đầu năm 2018, lợi suất trái phiếu 10 năm của Việt Nam còn thấp hơn lợi suất trái phiếu 10 năm của Malaysia. Gần đây, lợi suất trái phiếu của Việt Nam đã tăng trở lại và theo BVSC, diễn biến trên là hợp lý nếu xét đến trình độ phát triển kinh tế cũng như bối cảnh lạm phát, rủi ro tỷ giá của các nước.
Lạm phát tính đến thời điểm cuối tháng 7 của Việt Nam cao hơn so với các nước trên nhưng mức mất giá của VNĐ ( khoảng 2,5%) đều thấp hơn hẳn so với Bath Thái Lan (3%), Rupee của Indonesia (8%) và Peso của Phillipines (7,3%).