|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương tính nghỉ Tết sớm

08:30 | 03/02/2024
Chia sẻ
Ngược với cảnh nhộn nhịp mọi năm, năm nay cận Tết nhưng sức mua vẫn như ngày thường, nhiều tiểu thương lo lỗ, có người đóng sạp nghỉ Tết sớm.

Trưa 23 Tết, chị Tâm, người bán hoa đào tại một chợ dân sinh ở Hà Đông (Hà Nội), mới mở hàng. "Xác định năm nay lỗ rồi nên chả thiết tha gì", chị nói.

Chị Tâm kể, từ trước Rằm, chị đã nhập hơn 500 cành đào để bán dịp Tết Nguyên đán này. Dù đã dự báo trước khó khăn, lượng nhập chỉ bằng hai phần ba với mọi năm, tới thời điểm này vẫn còn "ế" hơn một nửa. "Năm nay khó kiếm ăn lắm, ngoài vườn rẻ họ không bán, dân đắt lại không mua", chị than thở.

Theo chị Tâm, giá đào cành nhỏ năm nay chỉ tầm trên dưới 100.000 đồng mỗi cành, bằng một nửa so với mọi năm nhưng vẫn không dễ để chốt khách. "Mọi năm, chị bán sướng lắm, khách mua ào ào, 200.000 đồng một cành đào họ cũng không mặc cả. Giờ kinh tế khó khăn, mình bán đắt họ không mua mà chuyển hướng sang mua những thứ khác", chị cho biết.

Một gian hàng bán quần áo thời trang tại chợ Nhà Xanh (Hà Nội) dù giảm giá vẫn vắng khách, chiều 1/2. (Ảnh: Phương Dung).

Chung hoàn cảnh, chị Minh, bán quần áo tại chợ Nhà Xanh (Hà Nội), cũng thừa nhận Tết năm nay khá vất vả với tiểu thương.

"Khách đến đã không nhiều, họ cũng chi tiêu chặt chẽ hơn. Có người vào thử quần áo cả tiếng đồng hồ nhưng ra không mua món nào", chị nói.

Cùng đó, quần áo thời trang năm nay cũng ế ẩm do thời tiết không mấy ủng hộ, khi mùa đông năm nay không có nhiều đợt rét lạnh.

Nhưng chị Tâm, chị Minh không phải là những người duy nhất chật vật buôn bán trong mùa Tết năm nay.

Tại TP HCM, chợ truyền thống và siêu thị sức mua cũng èo uột hơn so với mọi năm.

Chị Loan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết năm ngoái 20 Tết đã nhộn nhịp khách đặt mua thịt heo với số lượng vài kg, nay sát Tết nhưng chỉ khách mua lẻ tẻ.

Tương tự, cửa hàng bán đồ khô tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho biết, năm nay sức mua èo uột nên chị chỉ nhập các sản phẩm giá bình dân. Năm ngoái, tôm khô có loại lên tới triệu đồng một kg, nay chỉ bán hàng 400.000-600.000 đồng. Mực khô giá tăng cao nên thay vì bán loại 35 con một kg, nay chỉ nhập loại 70-100 con.

"Nhập hàng giá trị bình dân nhưng sức mua không nhộn nhịp như mọi năm. Với tình hình này, tôi lo ế ẩm và không có lời dịp Tết", chị Hoa, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho hay.

Chuyên bán giày dép tại An Đông Plaza, chị Nhung cho biết, chưa năm nào tiểu thương khó khăn như năm nay. Cận Tết nhưng đa phần các hộ kinh doanh đều phải bán hàng giảm giá. Đây là cảnh tượng chưa từng xảy ra ở cận Tết các năm trước.

"Hôm qua có những món đồ tôi giảm xuống còn 100.000 đồng nhưng sức mua yếu. Do đó, ngày hôm sau tôi bán lỗ chỉ còn 50.000 đồng", chị Nhung nói.

Hàng loạt tiểu thương tại chợ An Đông cũng đua nhau bán hàng giảm tới 70%. Nhiều tiểu thương cho biết họ bán với giá thấp như trên để xả hàng chứ không mong có lãi. "Năm nay coi như không có Tết vì bán hàng lỗ 30-40%", chị Hằng tiểu thương chợ này nói.

Tiểu thương chợ An Đông Plaza liên tục giảm giá sản phẩm vẫn không có khách ghé. (Ảnh: Hồng Châu).

Theo ban quản lý các chợ truyền thống, năm nay sẽ không có tình trạng tăng giá đột biến như mọi năm. Đa phần tiểu thương sẽ bán tới ngày 30 Tết, có thể kéo dài đến chiều tối để "thoát" hết hàng.

Bà Đàm Vân – Phó ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho biết sức mua tại chợ vẫn ì ạch. "Chúng tôi kỳ vọng tuần cuối cùng sức mua sẽ cải thiện. Năm nay giá hàng hóa bình ổn hơn mọi năm", bà Vân nói.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết lượng hàng về chợ năm nay tăng cao. Từ ngày 4 đến 9/2 (25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng khoảng 10%, có ngày tăng tới 50% so với bình thường. Tuy nhiên, doanh thu chợ Tết năm nay chỉ kỳ vọng bằng với năm ngoái vì sức mua yếu.

Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú lý giải sức mua giảm là điều tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khởi sắc. Ông dẫn điều tra từ Viện kinh tế công nhân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, lương công nhân chỉ đủ trang trải 75% cuộc sống. Còn nông dân, chiếm tới 70% lực lượng lao động xã hội, nhưng nông sản làm ra hay bị được mùa mất giá, lợi nhuận sau bán ra không đủ chi phí trồng trọt, chăn nuôi.

Cùng đó, các đối thủ của chợ truyền thống là siêu thị liên tục tung ra các chương trình khuyến mại "khủng" cũng là nguyên nhân khiến chợ truyền thống rơi vào cảnh vắng hoe. Ông dẫn ví dụ "một chai dầu ăn bình thường bán 120.000 đồng nhưng đúng đợt khuyến mại Tết này chỉ còn hơn 100.000 đồng, do đó, người dân họ sẽ chọn mua ở siêu thị, thay vì ở các cửa hàng tạp hóa".

Hiện các hệ thống siêu thị cho biết vẫn đang kích cầu khuyến mãi giảm tới 50% nhiều sản phẩm để bà con sắm Tết. Ngay cả những mặt hàng bình ổn, giá thấp vẫn giảm tiếp trong Tết năm nay.

Tại các hệ thống siêu thị giá trứng cũng đồng loạt giảm ngày cận Tết. (Ảnh: Hồng Châu).

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết dù giá trứng bình ổn ở mức thấp, với sức mua quá yếu, cận Tết năm nay công ty quyết giảm giá trứng gà 10% đến các điểm bán hàng bình ổn mặt hàng trứng gia cầm trên địa bàn TP HCM.

Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân cũng giảm giá trứng gà 10% từ ngày 1 đến 24/2 (ngày 22 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng). Ngoài ra, Ba Huân còn kết hợp giảm giá 10% một số mặt hàng thực phẩm chế biến như lạp xưởng, thịt gà, xúc xích, chân gà chua cay...

Ngoài nguyên nhân do người dân thắt chặt chi tiêu, một lý do nữa được chuyên gia Vũ Vinh Phú nhắc tới là do chợ truyền thống đang dần mất khách vào tay các chợ online. Dù vậy, ông Phú cho rằng thời điểm từ 23-29 Tết, sức mua sẽ tăng mạnh nhất, do đó, bà con tiểu thương vẫn nên có phương án chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu.

Về lâu dài, theo chuyên gia, cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng một cách bền vững, bao gồm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, rút ngắn chuỗi cung ứng để giảm chi phí ở khâu trung gian, hạ chi phí giá thành. Cùng đó, ông cho rằng cần có các giải pháp giúp chợ truyền thống, mô hình đang chiếm 75% thị phần thương mại bán lẻ, phát huy được vai trò. Chợ truyền thống cần giải được bài toán về đầu tư hạ tầng, quản lý hiệu quả hơn chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc...

Theo ông Phú, ngoài phục vụ bà con nghèo, thu nhập thấp, chợ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp dân cư trong xã hội, là địa điểm du lịch - đầu tư, đón nhận những nông sản chưa có điều kiện đưa vào kênh thương mại hiện đại.

"Nếu giải quyết được những tồn tại trên, sẽ góp một phần phát triển hệ thống phân phối của từng địa phương và từng vùng trong cả nước", ông Phú nói thêm.

Hồng Châu - Phương Dung

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.