Gió đổi chiều bên trong hai ông lớn bán lẻ công nghệ
Đầu tư Thế Giới Di Động và FPT Retail vốn được biết đến là hai đơn vị phân phối các sản phẩm công nghệ có thị phần lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, năm qua đã có những thay đổi căn bản trong cấu trúc doanh thu khi chiến lược "bẻ lái" hai năm kế trước. Sự suy yếu của mảng kinh doanh cốt lõi đã bộc lộ, các lĩnh vực mới lên ngôi, dần trở thành lĩnh vực đóng góp doanh thu chính, định hình hai hướng đi mới của hai ông lớn này trên thị trường.
FPT Retail rút dần cạnh tranh trong mảng công nghệ, dồn sức xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ mà đầu tàu là nhà thuốc Long Châu. Trong khi đó, sau một hồi khơi mào cuộc chiến giá khiến lợi nhuận bị ăn mòn đối với sản phẩm điện máy, tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lại tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm với mảng bán lẻ bách hoá mà đại diện là Bách Hoá Xanh.
Kể từ tháng 6 năm ngoái, tỷ lệ đóng góp doanh thu của Bách Hoá Xanh đã vượt qua chuỗi Thế Giới Di Động. Tính chung cả năm, chuỗi bán lẻ tạp hoá mang về doanh thu hơn 31.600 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng doanh thu toàn tập đoàn và chỉ đứng sau chuỗi Điện Máy Xanh.
Doanh thu Bách Hoá Xanh năm 2023 tăng 17% so với năm trước và riêng trong quý cuối năm tăng 31% so với cùng kỳ. Tập đoàn cho biết ngay cả khi không mở mới cửa hàng, Bách Hóa Xanh vẫn liên tục tăng doanh thu qua từng tháng kể từ tháng 3/2023 đến nay nhờ tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ.
Trong suốt cả năm 2023, doanh thu trên mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh liên tục được cải thiện từ mức 1,2 tỷ đồng hai tháng đầu năm lên 1,5 tỷ đồng trong 6 tháng. Dấu mốc là vào tháng 12/2023, doanh thu bình quân tháng mỗi cửa hàng là 1,8 tỷ đồng, chính thức đưa Bách Hoá Xanh đạt mục tiêu hoà vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Con số này phù hợp với dự báo trước đây của các nhà phân tích tại SSI Research rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt mục tiêu hòa vốn với doanh thu bình quân tháng là 1,7 tỷ đồng/cửa hàng.
Bách Hoá Xanh cho biết nhờ tập trung nâng cao sản lượng và ồn định chất lượng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tăng 35-40% so với cùng kỳ, đóng vai trò là yếu tố thu hút khách hàng và là lợi thế cạnh tranh giúp chuỗi gia tăng thị phần.
Sản lượng bán ra tăng mạnh cũng giúp chuỗi này xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nhà cung cấp lớn, uy tín về thịt và hải sản như: CP, Minh Phú, Navico, HDC Corp...
Các nhóm hàng FMCGs (tiêu dùng nhanh) tăng trưởng 5-10% so với cùng kỳ.
Đối với đối thủ của Đầu tư Thế Giới Di Động là FPT Retail, thay đổi cũng diễn ra. 2023 là năm đầu tiên Long Châu vượt qua doanh thu FPT Shop, bắt đầu từ quý II sau đó tiếp tục mở rộng. Tính chung cả năm, Long Châu đóng góp gần 50% vào tổng doanh thu FPT Retail, dù trước đó năm 2022 tỷ trọng này chỉ là 32%.
FPT Retail đã đóng 31 cửa hàng FPT Shop trong khi tiếp tục mở mới thêm 560 nhà thuốc Long Châu. Một số cửa hàng FPT Shop được tận dụng chuyển đổi sang Long Châu nhờ vị trí thuận lợi, phù hợp mô hình nhà thuốc.
Hết năm, Long Châu sở hữu gần 1.500 nhà thuốc, gấp đôi số cửa hàng FPT Shop. Mỗi cửa hàng Long Châu mang về trung bình 1,1 tỷ đồng doanh thu hàng tháng. Trong top 3 chuỗi bán lẻ dược phẩm có thị phần lớn tại Việt Nam, Long Châu là đơn vị duy nhất có lãi kể từ năm 2021. Trong khi An Khang và Pharmacity vẫn đang trên đường tìm kiếm lợi nhuận.
Năm qua, Long Châu bước vào mảng kinh doanh mới là tiêm chủng. Từ 5 cơ sở tiêm chủng hồi tháng 10 năm ngoái, đến nay Long Châu đã mở mới 20 điểm, tích hợp với chuỗi nhà thuốc hiện hữu.
Thay đổi của Đầu tư Thế Giới Di Động hay FPT Retail là tất yếu khi câu chuyện bão hoà trong ngành bán lẻ ICT đã được các nhà phân tích cảnh báo từ năm 2022. Sang đến năm 2023, tình hình càng tồi tệ hơn khi các đơn vị này phải đối mặt với nhu cầu yếu bởi người dùng thắt chi tiêu, hàng trăm cửa hàng phải đóng cửa trước hiệu quả hoạt động thấp.
Nhóm phân tích tại VNDirect từng dự đoán quý IV/2023 tới quý I/2023 sẽ là thời điểm có nhu cầu lớn về sản phẩm điện thoại vì chu kỳ thay thế khoảng hai năm. Tuy nhiên, do niềm tin của người tiêu dùng phục hồi chậm, người tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để mua điện thoại mới.
Điều này khiến cho một nhà bán lẻ lớn trong mảng này khó thoát khỏi khủng hoảng. Đó là lý do trên thị trường chứng khoán thời gian qua chứng kiến khối ngoại bán ròng cổ phiếu MWG trong nhiều tháng liên tiếp.
Đối với hai hướng đi mới của FPT Retail và Đầu tư Thế Giới Di Động, cả hai đều có kế hoạch để tìm kiếm tăng trưởng hơn nữa trong năm nay.
Ban lãnh đạo Bách Hoá Xanh kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, tăng thị phần và bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho công ty.
Tập đoàn tiếp tục mở mới cửa hàng Bách Hoá Xanh nhưng có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả.
Mục tiêu là tiếp tục tăng doanh thu với cửa hàng cũ, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh, tối ưu chi phí kho vận để cuối năm có lời ở cấp độ công ty.
Hội đồng quản trị Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch huy động vốn cho chuỗi Bách Hóa Xanh theo hình thức chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Dự kiến chào bán tối đa từ 5-10% cổ phần chuỗi Bách Hóa Xanh thay vì tỷ lệ 20% vốn như kế hoạch ban đầu. Nguồn vốn mới sẽ được đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, cũng như phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi này ra toàn quốc.
Trong khi với chuỗi Long Châu của FPT Retail, tập đoàn không dấu diếm tham vọng “xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe” tại Việt Nam.
Khi ký kết hợp tác chiến lược với HH Healthcare mới đây, bà Nguyễn Bạch Điệp tiết lộ: “Chúng tôi xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe theo từng bước đi cụ thể không chỉ là một chuỗi nhà thuốc, mà còn phục vụ người dân từ phòng bệnh đến chữa bệnh, tạo ra sự cân bằng giữa chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc dài hạn”.