|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bùng nổ than giá rẻ ở Đông Nam Á đi ngược xu hướng phát triển xanh của thế giới

21:46 | 06/04/2019
Chia sẻ
Các nước Đông Nam Á đang chuyển sang sử dụng than giá rẻ để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao của họ khi phương Tây tránh xa nhiên liệu hóa thạch dưới áp lực của các nhà đầu tư thân thiện với môi trường.
Bùng nổ than giá rẻ ở Đông Nam Á đi ngược xu hướng phát triển xanh của thế giới - Ảnh 1.

Nhà máy điện than ở Thái Lan. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Đông Nam Á tăng mạnh.

Indonesia có khả năng sẽ trở thành quốc gia sử dụng điện đốt than lớn thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4, trong khi Philippines và Thái Lan cũng sẽ xây dựng các nhà máy điện than mới.

Nhu cầu sử dụng điện ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 70% trong giai đoạn 2017 - 2030, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), với sản lượng điện đốt than dự kiến sẽ tăng 80% trong cùng kì. Điều này sẽ khiến nhiệt điện đốt than chiếm 40% tổng sản lượng điện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhiệt điện than được biết là loại hình năng lượng phát thải gấp đôi lượng carbon dioxide (CO2) so với sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

Châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ giảm 30 - 50% điện than, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, với sự gia tăng mạnh mẽ ở châu Á, sản lượng điện đốt than của thế giới dự kiến sẽ tăng cao hơn 2%.

Chi phí điện than đã có xu hướng thấp hơn kể từ mùa hè năm ngoái. Việc chuyển đổi năng lượng ở các nước công nghiệp lớn dự kiến sẽ khiến giá giảm hơn nữa trong thời gian dài. Vì vậy,  các nền kinh tế mới nổi càng có cơ hội để mua nhiều than với giả rẻ hơn.

Đông Nam Á cũng đã bước chân vào định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời đang được áp dụng ở các quốc gia có điều kiện phù hợp, như Indonesia và Thái Lan. Một chuỗi các dự án điện gió được lên kế hoạch tại Việt Nam. Lượng điện thu được từ năng lượng tái tạo trong khu vực dự kiến sẽ tăng 140% trong giai đoạn 2017 - 2030.

Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, chỉ sử dụng riêng nguồn năng lượng tái tạo là không khả thi. Hơn nữa, Thái Lan có khả năng cao sẽ phải khai thác nguồn khí đốt tự nhiên khi năng lượng hạt nhân đang trở nên đắt đỏ hơn do chi phí an toàn tăng.

"Nhìn nhận trên mọi khía cạnh, năng lượng than là lựa chọn tốt nhất cho Đông Nam Á", Hitoshi Kanno, Giám đốc điều hành tại Công ty Phát triển Điện lực Nhật Bản, cho hay.

Trong khi đó, các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ đang quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí ESG, cụ thể là những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Hơn 1.000 nhà đầu tư, với 8.000 tỉ USD tài sản thuộc quyền quản lí, đã cam kết thoái vốn khỏi các công ty liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. 

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư này, công ty khai thác lớn của Anh- Australia Rio Tinto đã phải ngừng các hoạt động kinh doanh than vào tháng 8 năm ngoái. Đức cũng đưa ra kế hoạch loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2038.

Tháng 11 năm ngoái, một tổ chức đầu tư ở châu Âu đã yêu cầu một công ty điện lực hàng đầu của Nhật Bản tránh xa than đá, đe dọa nếu tiếp tục sử dụng loại nhiên liệu này, họ sẽ rút cổ phần của mình. 

Quĩ hưu trí chính phủ toàn cầu của Na Uy - quĩ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới - đã loại bỏ một số doanh nghiệp có khả năng liên quan đến sử dụng than ra khỏi danh mục đầu tư của mình, trong đó gồm Nhiệt điện Chugoku và Nhiệt điện Hokuriku của Nhật Bản.

Một liên minh gồm công ty Nhiệt điện Kyushu và Tokyo Gas đã phải dừng kế hoạch đầu  xây dựng một nhà máy đốt than ở tỉnh Chiba, gần Tokyo trong năm nay, vì áp lực của các nhà đầu tư ngày càng tăng.

Trung Quốc, quốc gia đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cũng đang cố gắng ngăn chặn sự phát triển của sản xuất điện than trên lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc cũng phải chịu những lời chỉ trích từ phương Tây vì là những người ủng hộ hàng đầu những dự án điện than ở các nền kinh tế mới nổi.

Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết hoặc đề nghị viện trợ hơn một phần tư ngân sách cho các nhà máy than đang được phát triển ở nước ngoài, một chuyên gia thuộc Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng Mỹ báo cáo vào tháng 1.

Với mong muốn đẩy nền kinh tế của mình ra khỏi ngành công nghiệp than, Trung Quốc đồng thời đang thúc đẩy xây dựng nhiều nhà máy điện than tại các khu vực khác ở châu Á và châu Phi, kế hoạch này là một phần của chiến lược xuất khẩu năng lượng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của quốc gia này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không bị chịu nhiều ảnh hưởng từ các chiến dịch thoái vốn của phương Tây vì những giới hạn nghiêm ngặt đối với việc nắm giữ cổ phiếu của người nước ngoài.

Do đó, Nhật Bản, nước xuất khẩu công nghệ than số 2, hiện là mục tiêu của các nhà đầu tư xanh ESG. Một nhà máy đốt than công suất lớn đang được xây dựng ở Indonesia dưới sự tài trợ một phần từ nhà đầu tư Sumitomo, Công ty Nhiệt điện Kansai và vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. 

Tại Việt Nam, Công ty thương mại Marubeni đang lên kế hoạch hợp tác với Công ty Điện lực Hàn Quốc xây dưng một nhà máy nhiệt điện than .

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải chịu các chỉ trích trong thời gian gần đây, theo Nikkei Asia Review.

"Nhật Bản có mạng lưới nhà máy than lớn nhất so với bất kì quốc gia phát triển nào và nhiều công ty Nhật Bản cũng là nhà vô địch về phát triển nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài", đại diện một tổ chức phi chính phủ phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP24 ở Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái.

Dương Dương