|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh ngành dầu khí quí III: Doanh nghiệp nín thở nhìn giá dầu trước diễn biến dịch COVID-19

15:48 | 05/08/2020
Chia sẻ
Theo Chứng khoán BSC, giá dầu biến động phụ thuộc diễn biến của dịch COVID-19, tạo áp lực lên nhóm DN hạ nguồn như PV GAS, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Petrolimex, PV OIL. Tuy nhiên, phát hiện thành công mỏ khí Kèn Bầu mới đây là điểm sáng cho ngành dầu khí trong nước về dài hạn.

Nhu cầu duy trì ở mức thấp, giá dầu khó tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020

Tính đến cuối quí II, giá dầu brent có xu hướng cải thiện sau giai đoạn lao dốc mạnh trước đó, tăng 81% so với thời điểm cuối quí I/2020.Những chuyển biến tích cực đến từ nhu cầu dầu tại Châu Á có dấu hiệu phục hồi trong quí II do động thái nới lỏng các qui định dãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, nhóm OPEC+ đã quyết định gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng đến hết tháng 7 tạo ra tình trạng thiếu hụt “tạm thời” giúp giải phóng lượng hàng tồn kho đã tích trữ trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

Hầu hết các tổ chức, định chế lớn trên toàn cầu đều đã nâng mức dự kiến giá dầu brent năm 2020 cao hơn so với dự báo trong quí I, lên mức trung bình khoảng 35 - 41 USD/thùng. 

Theo EIA, nhu cầu dầu Brent trong năm 2020 được điều chỉnh tăng 500.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, lên mức 91,7 triệu thùng/ngày. Dự báo này dựa trên kì vọng nhu cầu vận chuyển, đi lại và sản xuất công nghiệp phục hồi khi nhiều quốc gia thực hiện buộc phải nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để khôi phục kinh tế.

Một yếu tố quan trọng khác là kì vọng Vaccine sẽ được bào chế thành công trong năm 2021.

Bức tranh ngành dầu khí quí III: Doanh nghiệp nín thở nhìn giá dầu trước diễn biến COVID-19 phức tạp trở lại  - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, BSC nhận định giá dầu khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020 do ảnh hưởng từ “làn sóng COVID-19 thứ hai” khiến nhu cầu tiếp tục ở mức thấp. Theo đó, tổng sản lượng dầu toàn cầu dự kiến giảm 7,2 mb/d vào năm 2020 và được điều chỉnh tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Nhìn chung, giá dầu trong năm 2020 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch COVID-19, trong bối cảnh nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+. Theo BSC, mức tăng dự báo về nhu cầu dầu vẫn tương đối thấp do đó khó có thể giúp tạo động lực cho giá dầu hồi phục mạnh nửa cuối năm 2020. 

Khi các "ông lớn" ngụp lặn trong cuộc chiến giá dầu

Giá dầu diễn biến khó lường tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh các nhóm doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn. Trong đó, áp lực lớn nhất lên các nhóm hạ nguồn với doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào biến động của giá dầu như PV GAS, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Petrolimex, PV OIL. 

Đáng chú ý, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn là đơn vị ghi nhận mức lỗ khủng nhất toàn thị trường sau 6 tháng đầu năm, âm 4.255 tỉ đồng. Theo lãnh đạo BSR, đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu nên nhà máy luôn phải duy trì lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô ra sản phẩm. 

Do đó, giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn thị trường khiến thu không bù chi đã làm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm nghiêm trọng.

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá dầu giảm sâu còn có Petrolimex. 6 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận 65.187 tỉ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng 1.080 tỉ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, tỉ lệ thực hiện của Petrolimex mới đạt 53% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.

Tình cảnh tương tự đối với PV OIL, công ty báo lỗ kỉ lục trong quí I, kéo khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên tới 355 tỉ đồng. 

Mặt khác, "ông lớn" ngành dầu khí PV GAS ghi nhận lợi nhuận ròng quí II thấp nhất trong 14 quí gần đây, đạt 1.713 tỉ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, lãi ròng PV GAS giảm sâu 33,7% về 4.063 tỉ đồng.

BSC nhận định riêng với nhóm thượng nguồn, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PVD, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PVS, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí - PXS có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do giá dịch vụ suy giảm cũng như nhu cầu sụt giảm khiến cho các hoạt động khai thác thăm dò bị hạn chế.

Mỏ Kèn Bầu là điểm sáng dài hạn cho ngành dầu khí

Ngành dầu khí Việt Nam đang phải đối mặt với việc trữ lượng khai thác dầu thô có chiều hướng suy giảm từ các mỏ Bạch Hổ (bể Cửu Long) chiếm khoảng 80% sản lượng dầu khai thác. 

Bên cạnh đó, quá trình thăm dò, khai thác lại đang gặp rất nhiều trở ngại. Các dự án trong tình trạng chậm tiến độ.

Đơn cử, dự án Cá Rồng Đỏ (Lô 07/03) ước tính trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu thô, 235 tỉ mét khối khí tự nhiên và 2,4 triệu thùng khí ngưng tụ condensate do Talisman Việt Nam - công ty con của Repsol thuê thăm dò khí đốt hiện đang tạm dừng khai thác.

Hai dự án Cá Voi Xanh dự kiến tạo ra 30 tỉ USD doanh thu từ khí đã chậm tiến độ gần 9 tháng và dự án khí lô B Ô Môn có tổng mức đầu tư 10 tỉ USD chậm tiến độ hơn 2 năm.

Tuy nhiên, quí III tới đây, dự án Sao Vàng Đại Nguyệt có trữ lượng khí dự kiến là 16 tỉ m3 sẽ bắt đầu khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên. Tiến độ tổng thể của dự án đạt 91,14%. Trong đó, thay đổi kế hoạch hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt đến tháng 6/2020; công tác đấu nối chạy thử đạt 15,74% và hiện đang tiếp tục hoàn thiện qui trình.

Ngoài ra, việc phát hiện thành công mỏ khí Kèn Bầu mới đây với trữ lượng 230 tỉ mét khối khí lớn là một trong những điểm sáng cho ngành dầu khí năm 2020. Đây là một trong ba dự án cung cấp khí mới có qui mô lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Ngoài ra, với vị trí nằm trong thềm lục địa và tương đối gần đất liền, cách Đà Nẵng 86 km và tỉnh Quảng Trị 65 km, BSC nhận định rủi ro liên quan đến việc tranh chấp tương đối thấp, đảm bảo cho khả năng triển khai dự án. Ước tính năm 2028 dự án có thể đưa vào khai thác.

Thu Thủy