Bức tranh kinh doanh quý I/2023 ngành chứng khoán: SSI vươn lên Top1, vẫn có những đơn vị tăng trưởng trong khi toàn ngành giảm sâu
Trong quý đầu năm 2023, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với quý I/2022, nguyên nhân chủ yếu được các công ty đưa ra là do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh gây ảnh hưởng tới doanh thu các hoạt động kinh doanh chính như môi giới chứng khoán và cho vay. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm cũng ảnh hưởng tới doanh thu mảng hoạt động tự doanh.
Trong Top10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) quý I/2023, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) là công ty duy nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu hoạt động VCBS đạt 260 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với quý I/2022. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng hơn gấp 3 lần lên 103,8 tỷ đồng chủ yếu do chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 18,5% còn 82,6 tỷ đồng, doanh thu môi giới chứng khoán giảm 56,1% còn 58,4 tỷ đồng.
Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động quý I giảm 61,8% còn 33,9 tỷ đồng chủ yếu do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL và chi phí môi giới chứng khoán giảm mạnh. Kết quả, VCBS báo lãi trước thuế 131,3 tỷ đồng, tăng 36,5%; lãi sau thuế 105,1 tỷ đồng, tăng 36,6%.
Còn lại trong danh sách Top10, phần lớn các công ty chứng khoán có mức giảm lợi nhuận từ 40 - 65%, gồm Chứng khoán MB (MBS) giảm 40%; Chứng khoán KIS Việt Nam giảm 43%; Chứng khoán VPS giảm 51%; Chứng khoán Mirae Asset (MAS) giảm 55%; Chứng khoán TP HCM (HSC) giảm 56%; và Chứng khoán Kỹ thuơng (TCBS) giảm 64%.
Công ty có mức sụt giảm lợi nhuận ít nhất (giảm 30%) là Chứng khoán SSI. Trong khi đó, hai công ty có mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất là Chứng khoán VNDirect (VNDS) (82%) và Chứng khoán Vietcap (Vietcap).
Cụ thể, Chứng khoán SSI báo lãi trước thuế 590 tỷ đồng và lãi sau thuế 481 tỷ đồng, giảm lần lượt 31,2% và 29,7%, nhưng vươn lên trở thành công ty chứng khoán có mức lãi cao nhất toàn ngành.
Hai công ty chứng khoán có mức sụt giảm lợi nhuận quý I/2023 lớn nhất trong danh sách là Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán Vietcap, cho dù hai công ty này đều ghi nhận lãi ròng từ việc bán các tài sản tài chính hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu hoạt động quý I của Chứng khoán VNDirect đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 27%. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) 782,1 tỷ đồng, tăng 15% chủ yếu do lãi bán các tài sản tài chính tăng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 249,4 tỷ đồng, giảm 46,3%. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán 145,8 tỷ đồng, giảm 68,4%.
Ngược chiều, chi phí hoạt động 629 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do lỗ các tài sản tài chính tăng. Kết quả, VNDirect lãi trước thuế 176,6 tỷ đồng, giảm 81,5%. Lãi sau thuế 140,5 tỷ đồng, giảm 81,6%.
Tương tự, tổng doanh thu hoạt động quý I của Chứng khoán Vietcap đạt hơn 499,2 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là 155,4 tỷ đồng, giảm 32%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 21% xuống còn hơn 155,4 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chứng khoán giảm 75%, còn gần 89 tỷ đồng.
Ngược chiều, chi phí hoạt động trong quý I của Vietcap cao hơn 107% cùng kỳ năm ngoái trong đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng 9% lên hơn 95,7 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí từ các hoạt động tự doanh, môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính cũng tăng lần lượt 244%, 121% và 662% so với cùng kỳ.
Kết quả là, Vietcap báo lãi trước thuế 80,8 tỷ đồng giảm 84% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 83% về 73,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcap lãi ròng bán các tài sản tài chính FVTPL 53,9 tỷ đồng trong quý I.
Loạt các công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm so với quý I/2022, một số cái tên có mức giảm mạnh như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) với mức giảm 88%, Chứng khoán VIX giảm 96%, hai công ty này đều có khoản tự doanh lỗ đến hàng trăm tỷ đồng trong quý I.
Chứng khoán SHS lỗ ròng từ bán các tài sản tài chính 476,5 tỷ đồng. Trong danh mục FVTPL tính đến ngày 31/3, khoản đầu tư vào cổ phiếu của công ty đang lãi nhẹ 5,3%, tương đương 117 tỷ đồng. Tuy nhiên, với danh mục AFS (toàn bộ là cổ phiếu) lại đang lỗ 9,4%, tương đương 63,5 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý đầu năm, Chứng khoán VIX lỗ ròng từ bán các tài sản tài chính 9,6 tỷ đồng. Trong danh mục FVTPL tại ngày 31/3, công ty nắm giữ 1.979 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết (đang ghi nhận lỗ 17,7%, tương đương 351 tỷ đồng); 671 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết (lãi 29,8%, tương đương hơn 200 tỷ đồng);...