BSC dự báo VN-Index kiểm định đỉnh cũ 1.530 điểm trong tháng 3, NĐT nên có chiến lược ra sao?
VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 0,76% và 5,63% trong tháng 2. Các chỉ số có những phiên tăng điểm tương đối tích cực sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ. Trong khi VN-Index có những phiên điều chỉnh giảm khá sâu thì HNX-Index hình thành xu hướng tăng điểm tương đối vững chắc.
Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường công bố mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) cho thất, P/E của VN-Index cuối tháng 2 ở mức 16,98 lần, giảm 1,26% so với tháng trước, và cao hơn 3,56% so với mức P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index ở mức trung bình tuy nhiên P/E HNX-Index đang ở mức đắt so với khu vực châu Á.
Nhóm phân tích cho rằng P/E của VN-Index nhiều khả năng sẽ giao dịch giằng co tích lũy chờ thêm thông tin từ thị trường, xung quanh vùng 16,5 - 17,5 trong thời gian tới.
P/E Việt Nam so với khu vực. (Nguồn: Bloomberg, BSC Research).
Dự báo về xu hướng tháng 3 của thị trường chứng khoán, BSC đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản 1 là VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 điểm khi nền kinh tế thích ứng tốt trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tiến đến mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc.
Thị trường dự báo tiếp tục phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh sơ bộ quý I, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 công bố tại đại đội cổ đông thường niên cũng như diễn biến thị trường chứng khoán thế giới.
Với kịch bản 2, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, không loại trừ có khả năng làm giảm các tác động tích cực của gói phục hồi và định hướng của Chính phủ.
Trong trường hợp này, mốc 1.500 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng cản tâm lý quan trọng, VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong khoảng 1.470 ± 30 điểm trong quá trình chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ.
Chiến lược đầu tư như thế nào trong tháng 3?
Trong tháng 2, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến tích cực khi có 9/11 ngành cấp I tăng điểm. Dòng tiền khá thận trọng trong giai đoạn đầu tuy nhiên đã gia tăng từ cuối tháng trở đi khi tập trung ở các nhóm dầu khí, nguyên vật liệu, dịch vụ tiêu dùng…
Theo thống kê của BSC, ngành dầu khí tiếp tục là ngành có mức tăng vượt trội trên 50% trong vòng 12 tháng.
Đối với chiến lược đầu tư trong tháng 3, nhóm phân tích của BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công, và gói phục hồi kinh tế bao gồm vật liệu xây dựng, thi công, bất động sản.
Nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc một số nhóm ngành hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine bao gồm dầu khí, phân bón, thép, hóa chất và logistic.
Bên cạnh đó, mọi người nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, bao gồm ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, tiện ích.
BSC cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng quan sát hành động tiếp theo của FED tại cuộc họp tháng 3 cũng như những diễn biến khó lường trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine.