Brand Finance: Quyền lực mềm của Việt Nam tăng 3 bậc lên hạng 47 thế giới
Brand Finance vừa phát hành Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 và theo báo cáo, chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam đã tăng 2,5 điểm. Đồng thời, thứ hạng của Việt Nam cũng nhảy 3 bậc từ 50 lên 47.
Bảng xếp hạng của Brand Finance được công bố từ một khảo sát của 75.000 người đến từ 100 quốc gia khác nhau.
"2020 là một năm đặc biệt khi dịch đặt các quốc gia vào thử thách. Dịch COVID-19 trực tiếp tác động đến GDP. Quyền lực mềm của một quốc gia được đặt lên hàng đầu", Brand Finance cho hay.
Hội nghị công bố Báo cáo được diễn ra vào tối ngày 25/2 (giờ Việt Nam) với sự tham dự của bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ.
Trao đổi với Báo Chính phủ về vấn đề này, ông ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng quyền lực mềm chính là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới cũng như phát huy nền tảng lịch sử dân tộc.
Đánh giá sâu hơn, ông Phú nhận định Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ kỷ nguyên số. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tăng cường hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên "sức mạnh thông minh".
Hiện tại, tốc độ mở cửa thị trường Việt Nam đang ở nhóm đầu thế giới. Cụ thể, tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng đều qua các năm từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019.
Mỹ, từ vị thế số 1 vào năm ngoái đã tụt xuống hạng 6. Trong khi đó, 3 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng về quyền lực mềm 2021 là Đức, Nhật Bản và vương quốc Anh.