|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Bong bóng' startup sắp vỡ?

11:23 | 05/07/2022
Chia sẻ
Sau thời gian dài chứng kiến hàng loạt startup được định giá cao ngất ngưởng, nhanh chóng được gọi là "kỳ lân" dù chưa đạt điểm hòa vốn, giờ đây các nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp.

Trên toàn thế giới, startup là hiện thân cho sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, được hỗ trợ với sự giúp sức của các đơn vị khác. Với tham vọng của mình, các startup liên tục tìm kiếm vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần để đốt cháy giai đoạn, theo CAINZ.

Nhiều cách tiếp cận startup khác nhau

Đối với các nhà đầu tư sẵn sàng nắm bắt cơ hội, việc định giá chính xác một công ty tư nhân thường là một thách thức. Một phương pháp thường được sử dụng để định giá các công ty như vậy là mô hình Discounted Cash Flow (DCF), trong đó giá trị của công ty phụ thuộc vào tiềm năng dòng tiền trong tương lai, trong trường hợp công ty chưa có doanh số.

Các dòng tiền được dự báo trong tương lai sau đó được chiết khấu cho đến thời điểm hiện tại, thường ở tỷ lệ cao hơn để giải thích rủi ro gia tăng khi đầu tư vào một công ty không tạo ra dòng tiền dương.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư mạo hiểm từ lâu đã ưa chuộng cách tiếp cận “market multiples” vì nó cung cấp cho họ dấu hiệu về mức độ sẵn sàng chi trả của thị trường cho một công ty. Nói một cách đơn giản, cách tiếp cận này đánh giá cao sự khởi nghiệp bằng cách xem xét các thương vụ mua lại gần đây của các công ty cùng tiềm năng trên thị trường.

Startup đã trải qua thời kỳ bùng nổ. (Ảnh: BW Businessworld).

Bất chấp các nguyên tắc làm cơ sở cho các phương pháp định giá nói trên, việc định giá các startup đã bị thổi phồng trong những năm gần đây, với 249 công ty được gọi là “kỳ lân” (starutp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên). Thực tế, khả năng của nhiều công ty, trong đó phần lớn chưa đạt điểm hòa vốn, tạo ra mức định giá cao trong một khung thời gian ngắn như vậy đã gây khó cho các nhà quan sát thị trường bên ngoài.

Nhiều chuyên gia tin rằng sự bùng nổ liên quan đến đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân trong giai đoạn đầu của các nhà đầu tư chủ yếu là do tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), thay vì các nguyên tắc tài chính cơ bản.

Các "kỳ lân" lần lượt lao dốc

Trong suốt năm 2021, các so sánh đã được rút ra giữa không gian đầu tư khởi nghiệp vào năm 2021 và bong bóng dot com vào cuối những năm 90, kết thúc bằng sự suy thoái thị trường và nhiều năm nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng. Năm 2022, phán quyết của thị trường về những so sánh đó mới bắt đầu xuất hiện.

Với đà đi xuống của nền kinh tế toàn cầu trong những tháng đầu năm 2022, lĩnh vực công nghệ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. NDXT, một chỉ số của 100 công ty lớn nhất được giao dịch trên NASDAQ, giảm hơn 1/3 so với mức đỉnh vào tháng 11/2021. Điều này đi kèm với việc giá trị vốn hóa của các công ty đã giảm tổng cộng 2.800 tỷ USD.

Với việc các công ty dẫn đầu thị trường như Apple, Microsoft và thậm chí là Google đang bị sụt giảm giá trị đáng kể, thì tất nhiên những startup “kỳ lân” cũng không ngoại lệ. Robinhood, từng đạt giá trị vốn hóa thị trường 46 tỷ USD vào tháng 8/2021, giờ đây chứng kiến sự sụt giảm hơn 80%, xuống còn 7,71 tỷ USD. Các công ty con khác như Peloton và Zoom đã lần lượt mất 90% và 80% giá trị vốn hóa thị trường.

Giá trị startup Robinhood lao dốc thê thảm sau thời gian được định giá cao ngất ngưởng. (Ảnh: BeinCrypto).

Sự lao dốc này được cho là do thói quen người tiêu dùng thay đổi và sự cường điệu xung quanh cổ phiếu công nghệ đã biến mất. Hai năm trước chứng kiến số lượng người dành thời gian ở nhà tăng vọt do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, qua đó cho phép nhiều startup công nghệ mới phát triển mạnh.

Tuy nhiên, khi mọi thứ dần trở lại quỹ đạo bình thường, các công ty công nghệ cũng khó phát triển hơn. Những thăng trầm đó đã dẫn đến sự lo lắng ngày càng tăng về tương lai của nhiều startup, với 20% công ty không tồn tại được trong năm đầu tiên và 90% thất bại trước cột mốc 5 năm.

Tuy nhiên, khả năng định giá “kỳ lân” đã khiến các nhà đầu tư phải xem xét bất kỳ nhược điểm nào và đưa ra những ý tưởng thiếu sót như WeWork, khiến startup này gần như được IPO với mức định giá đáng kinh ngạc lên tới 47 tỷ USD.

Thời kỳ "bùng nổ" của startup sắp chấm dứt?

Trải qua nhiều năm tăng trưởng và bùng nổ kinh tế, lợi nhuận giờ đây không phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhận thức được rằng các khoản đầu tư của họ sẽ thua lỗ trong ngắn hạn, họ thường nhắm mắt và bỏ qua những điểm yếu của mô hình kinh doanh.

Lấy ví dụ như Uber, một ý tưởng nhỏ nhưng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới với hàng triệu người dùng hàng ngày. Vậy mà sau 13 năm hoạt động, Uber vẫn lỗ. Ngày nay, Uber đã được coi là một doanh nghiệp với rất ít cơ hội để phát triển thêm, đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc liệu công ty có thể bị lỗ liên tục hay không.

Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm không tìm kiếm lợi nhuận ngay từ đầu mà đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh thu hút nhiều khách hàng nhất và “phá vỡ thị trường”. Bằng cách đó, họ hy vọng có thể đưa các công ty khởi nghiệp của mình tiến hành IPO, nơi họ có thể bán cổ phần và nhân rộng nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư đã dẫn tới ​​số lượng các thương vụ đầu tư giảm 5% và số lượng các khoản đầu tư vốn giảm 19% trong quý I/2022. Tính đến hết tháng 4, mới chỉ có 30 thương vụ IPO của các startup, thấp hơn nhiều so với con số 150 trong cùng kỳ năm 2021. Tựu chung lại, điều này dẫn đến một vòng lặp tiêu cực.

Nhìn về tương lai, các nhà phân tích đang dự đoán tổng định giá các thương vụ đầu tư mạo hiểm sẽ chậm lại. Khi thế giới dần ổn định, nguồn tiền sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, lượng tiền mặt lưu thông đã được phân bổ trong suốt đợt đại dịch vẫn đang kích thích các khoản đầu tư.

Nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như blockchain và công nghệ khí hậu đã duy trì tốc độ đầu tư ổn định trong suốt nhiều quý qua. Tuy nhiên, các startup đã hoạt động tốt trong suốt đại dịch và hiện đang trải qua nhiều sự cố đáng kể, lại chính là những công ty đã thích nghi nhanh chóng với điều kiện của đại dịch. Khi cuộc sống quay trở lại bình thường, việc định giá các startup này đang bị đặt ra nhiều dấu hỏi.

Từng là một trong những startup thành công nhất đại dịch, song câu chuyện đó của Zoom đã trôi vào dĩ vãng. (Ảnh: Dreamstime).

Theo các phát hiện được công bố trong các ấn phẩm Pitchbook-NVCA Venture Monitor năm 2021, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang có xu hướng định giá cao hơn đối với một số lượng nhỏ các startup ở giai đoạn sau. Các startup đã có lịch sử lâu đời với dòng tiền đã được chứng minh sẽ tiếp tục có nhu cầu cao và được định giá cao.

Các mức định giá này sau đó sẽ biến động đồng bộ với thị trường chứng khoán, theo sau những công ty đã thành danh như Uber hay AirBnB. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn trước không may mắn như vậy, vì rủi ro cao hơn trong điều kiện kinh tế thắt chặt sẽ dẫn đến việc ít đạt được mức định giá của những người đi trước.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự bất thường ở nhiều thị trường, khiến các nhà đầu tư và kỳ vọng của họ đối với thị trường giảm xuống. Bất chấp những biến động gần đây và nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, đầu tư khởi nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chững lại trong thời gian tới. Mặc dù các khoản đầu tư sẽ giảm xuống, song số lượng “kỳ lân” được dự báo vẫn sẽ tăng lên.

Quốc Anh