|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BofA: Dòng vốn chảy khỏi các quỹ tín dụng năm 2022 lên tới 316 tỷ USD

23:30 | 04/12/2022
Chia sẻ
Một báo cáo mới nhất từ đơn vị nghiên cứu thị trường của ngân hàng Bank of America (BofA Global Research) cho hay, các nhà đầu tư đã rút 316 tỷ USD từ các quỹ tín dụng trong năm 2022 và xóa hết toàn bộ dòng tiền đổ vào của năm trước.

Đó là một tín hiệu tiêu cực đối với thị trường nợ doanh nghiệp, khi lạm phát cao và lãi suất tăng làm mờ đi triển vọng của nền kinh tế. Diễn biến trên cũng trái ngược hoàn toàn với tình hình dòng vốn chảy vào thị trường cổ phiếu ghi nhận hồi năm 2022.

Trong báo cáo ngắn mới nhất về dòng vốn, BofA cho biết các quỹ chứng khoán chỉ nhận được 207 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn mức ghi nhận trong năm đầy “hưng phấn” 2021.

Báo cáo của BofA cũng cho thấy trong tuần tính đến ngày 30/11, các quỹ trái phiếu đã bị “chảy” khoảng 2,4 tỷ USD, bao gồm cả dòng tiền lên tới 300 triệu USD chảy khỏi trái phiếu lãi suất cao, cũng là lần giảm đầu tiên như vậy trong sáu tuần.

Trích dẫn dữ liệu từ nền tảng theo dõi thông tin dòng tiền ra - vào các quỹ đầu tư EPFR, BofA cho hay giới đầu tư đã rút đi 14,1 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chứng khoán, đánh dấu đợt rút vốn lớn nhất trong ba tháng. Các quỹ đầu tư của Mỹ cũng đã bị rút 16,2 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng Tư tới nay.

Ngược lại, các quỹ tiền mặt đã thu hút 31,1 tỷ USD dòng vốn vào. Trong khi đó, các quỹ vàng đã được bổ sung thêm 59 triệu USD. Trái phiếu chính phủ và Kho bạc cũng đón dòng tiền chảy vào trị giá 2,3 tỷ USD .

Tại các thị trường mới nổi, BofA cho biết trái phiếu đã ghi nhận chuỗi 15 tuần bị "chảy" vốn, mất đi 500 triệu USD. Thị trường cổ phiếu của nước này cũng thu hút được 1,1 tỷ USD vào cùng giai đoạn.

Sự lạc quan đối với cả thị trường tín dụng và thị trường cổ phiếu đã tăng lên trong những tuần gần đây, khi giới đầu tư ngày một kỳ vọng rằng lạm phát đang đạt đỉnh và tốc độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn có thể chậm lại.

Tuy nhiên, BofA cho biết chỉ báo Bull & Bear của họ đã tăng từ 1,4 lên 2,0, nghĩa là "tín hiệu mua" đối với các tài sản rủi ro sắp kết thúc.

Trong năm tới, không công ty nào phải đối mặt với các khoản trả nợ đáo hạn lớn. Như vậy, họ sẽ có không gian để “thở” sau khi chi phí vay cao hơn.

Dù vậy, giới phân tích cho biết rủi ro mà các công ty sẽ phải đối mặt với lãi suất vay cao hơn nhiều khi muốn tái cấp vốn cho các khoản nợ của họ. Điều đó có nghĩa là các công ty cần có một cách tiếp cận thận trọng đối với các khoản tín dụng có lợi suất cao.

H.Thủy (Theo Yonhap)