Boeing lặng lẽ dừng sản xuất huyền thoại Boeing 747
Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết những thay đổi nhỏ về câu chữ trong báo cáo tài chính của Boeing cho thấy chiếc Boeing 747-8 cuối cùng sẽ được xuất xưởng từ nhà máy tại Seattle (bang Washington, Mỹ) sau khoảng hai năm nữa. Sau đó, toàn bộ chương trình 747 sẽ ngừng sản xuất.
Boeing 747 có nhiều phiên bản gồm 747-100, 747-200, 747-300, 747-400 và 747-8. Phiên bản cuối cùng được đặt tên với cấu trúc khác là vì Boeing muốn hướng đến thị trường châu Á đang bùng nổ vào những năm 2010. Trong văn hóa phương Đông, 8 là số tượng trưng cho may mắn.
Những tín đồ hàng không thế giới từ lâu đã lo sợ ngày chiếc Boeing 747 huyền thoại bị khai tử.
Đầu năm 2019, Airbus – đối thủ chính của Boeing – đã thông báo ngừng sản xuất dòng máy bay siêu lớn A380. Các bộ phận thân A380 cuối cùng đã được chuyển tới nhà máy Airbus ở thành phố Toulouse, Pháp hồi tháng 6 vừa qua.
Cả Boeing 747 và A380 đều là những tàu bay siêu lớn 4 động cơ, hai tầng, mỗi tầng có 2 lối đi. Chiếc Boeing 747 đầu tiên cất cánh bay thương mại vào năm 1970 và nắm giữ danh hiệu tàu bay chở khách lớn nhất thế giới cho tới khi bị A380 soán ngôi vào năm 2007.
Một trong những lí do mà Boeing sản xuất chiếc 747 với 4 động cơ là qui định ETOPS (Tiêu chuẩn Hoạt động Tầm xa của Tàu bay hai động cơ) trong hàng không Mỹ những thập niên 1960-1970. Qui định này ra đời khi tàu bay còn dùng động cơ piston có độ tin cậy thấp, rất dễ dừng hoạt động khi đang bay.
Đối với các máy bay hai động cơ, khi một động cơ bị hỏng thì động cơ còn lại thường chỉ có thể bay tiếp được khoảng 60 phút và do vậy, đường bay của nó luôn phải ở trong bán kính bay 60 phút bay bằng một động cơ tính từ sân bay dự phòng gần nhất.
Hạn chế 60 phút này khiến cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương giữa Bắc Mỹ và châu Âu khai thác bằng tàu bay hai động cơ phải đi theo đường vòng nhằm luôn ở gần các sân bay dự bị.
Các hãng chế tạo tàu bay lách qui định này bằng cách cho ra các tàu bay có ba động cơ như Boeing 727 và DC-10 hoặc 4 động cơ như Boeing 747. Những chiếc tàu bay này có thể bay thẳng giữa châu Âu và Bắc Mỹ mà không phải lo về sân bay dự bị.
Nhiều động cơ hơn, sức chứa hành khách lớn hơn đồng nghĩa với việc chiếc Boeing 747 phù hợp cho mô hình vận tải "trục và nan hoa".
Ở mô hình này, các hãng hàng không sẽ dùng các tàu bay siêu lớn như chiếc 747 để vận chuyển hành khách giữa các trục là những trạm trung chuyển lớn như Paris, London, New York, Tokyo, … sau đó dùng các tàu bay nhỏ hơn để vận chuyển hành khách tỏa ra (như những nan hoa của bánh xe) tới những điểm đến ít đông đúc hơn.
Với sự ra đời của các dòng tàu bay mới tiết kiệm nhiên liệu và tầm bay siêu dài, các hãng hàng không hiện nay không còn ưa thích mô hình "trục và nan hoa" nữa mà chuyển sang mô hình "điểm tới điểm" tức là bay thẳng giữa điểm đầu và điểm cuối mà không phải qua một sân bay trung gian.
Trong khi chiếc Boeing 747 có hàng chục năm thành công thì chiếc A380 lại ra đời đúng lúc xu hướng "điểm tới điểm" bắt đầu thịnh hành và do vậy ít được các hãng hàng không ưa chuộng.
Trong khi chiếc 747 nhận được tổng cộng 1.571 đơn đặt hàng thì A380 chỉ có 251 đơn hàng. Trong phân khúc tàu thân rộng, số đơn hàng của 747 chỉ đứng sau chiếc 777 cũng của.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 khiến cho nhu cầu di chuyển bằng hàng không của hành khách giảm sút nghiêm trọng, việc tìm kiếm khách hàng cho những chiếc 747 cuối cùng được sản xuất cũng sẽ không hề dễ dàng.
Bloomberg dẫn lời ông Sash Tusa, một nhà phân tích tại Agency Partners nói: "Hóa ra số đường bay mà các hãng hàng không cần dùng tới máy bay siêu lớn là rất ít".
Theo một ước tính của ngân hàng Credit Suisse hồi tháng 6, khoảng 91% số chiếc 747 và 97% số chiếc A380 đang phải nằm đất.
Chiếc Boeing 747 có nhiều biệt danh, từ cái tên mĩ miều như "Nữ hoàng của bầu trời" tới không mĩ miều lắm như "Thằng gù" do đặc điểm bề ngoài dễ thấy nhất của dòng 747 là chỗ nhô lên ở phần lưng máy bay.