|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BoE công bố mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 1/2009

21:30 | 16/06/2022
Chia sẻ
Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên 1,25%; đây là mức lãi suất chủ chốt cao nhất của Anh kể từ tháng 1/2009.

BoE cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ suy giảm trong quý 2 năm 2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 16/6, song cho biết họ đã sẵn sàng hành động mạnh mẽ để “dập tắt” các nguy cơ gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao, hiện trên 11%.

Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiến hành đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, trong khi BoE đang “mắc kẹt” với cách tiếp cận chậm rãi hơn, bởi ngân hàng này cảnh báo rằng nền kinh tế Anh sẽ suy giảm trong quý 2 năm 2022.

Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE đã nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên 1,25%. Đây là mức lãi suất chủ chốt cao nhất của Anh kể từ tháng 1/2009.

Như vậy, tính từ tháng 12/2021, BoE đã tăng lãi suất 5 lần và trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

BoE nhấn mạnh: “Quy mô, tốc độ và thời gian của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào khác sẽ phản ánh đánh giá của Ủy ban Chính sách tiền tệ về nền kinh tế Anh. Ủy ban sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu của áp lực lạm phát dai dẳng hơn và nếu cần thiết sẽ hành động mạnh mẽ để đáp lại."

Hầu hết thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE tin rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vẫn có thể phù hợp trong những tháng tới.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình nói rằng, ngân hàng này hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát gia tăng, gây tổn hại cho nền kinh tế trong dài hạn.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang cố gắng chứng tỏ rằng họ có thể kiềm chế lạm phát, vốn đang chạm các mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, được thúc đẩy bởi sự mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, họ sẽ nâng lãi suất vào tháng Bảy tới, lần đầu tiên kể từ năm 2011 và sẽ tiến hành đợt tương tự vào tháng 9/2022, với mức tăng có thể là 0,5 điểm phần trăm.

Cũng trong ngày 16/6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chủ chốt lần đầu tiên sau 15 năm, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Còn ngân hàng trung ương của Hungary cũng bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi một tuần.

BoE vẫn quyết định tăng lãi suất mặc dù họ đã cảnh báo về đà giảm tốc mạnh của nền kinh tế Anh. Lạm phát giá tiêu dùng của Anh đạt mức cao nhất trong 40 năm là 9% vào tháng 4/2022, gấp hơn bốn lần so với mục tiêu 2% của BoE, và ngân hàng này trong cùng ngày đã nâng dự báo về mức lạm của anh trong tháng 10/2022 lên trên 11%, do giá năng lượng leo thang.

Xu hướng gia tăng lạm phát của Anh có vẻ sẽ kéo dài hơn ở nhiều nền kinh tế khác, một phần do tác động chậm trễ của cơ chế tính giá điện trong nước mà còn do tác động của hoạt động thương mại hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, việc thiếu lao động thường xuyên để lấp đầy các vị trí tuyển dụng đang khiến BoE quan ngại, bởi nó có thể dẫn đến việc tăng lương và biến lạm phát tăng cao trở thành một vấn đề nan giải hơn.

Sự sụt giảm giá trị của đồng bảng Anh trong những tuần gần đây, gây ra phần lớn bởi những đồn đoán xung quanh việc nâng lãi suất tại Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), qua đó càng tăng thêm áp lực lạm phát tại Anh.

BoE cũng hạ mức dự báo ngắn hạn cho tăng trưởng kinh tế Anh, cho rằng kinh tế nước này sẽ giảm 0,3% trong quý 2 năm 2022, đảo ngược so với dự báo tăng trưởng 0,1% được đưa ra hồi tháng Năm.

Động thái này diễn ra bất chấp các biện pháp do Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak đưa ra vào cuối tháng Năm nhằm giúp các hộ gia đình tại Anh bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng vọt.

BoE cho biết, các biện pháp này có thể giúp sản lượng kinh tế tăng 0,3% và đẩy lạm phát tăng 0,1 điểm phần trăm trong năm đầu tiên thực hiện.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.