Bóc tách doanh thu kỉ lục hơn 100.000 tỉ đồng của Thế Giới Di Động: Sản phẩm và chuỗi cửa hàng nào đóng góp lớn nhất?
MWG mở mới trung bình hai cửa hàng mỗi ngày trong năm 2019
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã trải qua một năm 2019 với nhiều kỉ lục đáng mừng về cả doanh thu, lợi nhuận và số cửa hàng. Tính đến hết tháng 12 vừa qua, MWG có 3.039 cửa hàng, tăng thêm 852 cửa hàng so với ngày đầu năm.
Chuỗi Điện Máy Xanh có 1.018 cửa hàng, trong đó có một số được chuyển đổi từ chuỗi Thế Giới Di Động sang. Số cửa hàng của chuỗi Bách Hóa Xanh tăng lên con số 1.008, thêm 603 cửa hàng so với đầu năm. Cả chuỗi Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh cùng vượt mốc 1.000 cửa hàng trong tháng 12/2019.
Lũy kế cả năm 2019, MWG đạt doanh thu thuần 102.174 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.836 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 33% so với năm 2018 và đều là các mức cao kỉ lục từ trước tới nay.
So với kế hoạch mà đại hội cổ đông giao phó, MWG thực hiện 94% mục tiêu doanh thu và 107% mục tiêu lợi nhuận.
Đối với riêng chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), doanh thu cả năm 2019 cao gấp 2,5 lần năm 2018, đạt 10.770 tỉ đồng. Trong năm 2019, BHX đã mở rộng hoạt động tại 21 tỉnh thành Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ so với chủ yếu chỉ ở TP HCM cuối 2018.
Trung bình trong năm vừa qua, mỗi cửa hàng BHX đạt doanh thu hơn 1,3 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 45% so với mức hơn 900 triệu đồng của năm 2018.
Theo MWG, biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt của BHX là trên 19% cho cả năm 2019, tăng 3 điểm % so với năm 2018. Thực phẩm tươi sống, hàng mát và đông lạnh đóng góp gần 50% doanh thu toàn chuỗi, con số năm trước là khoảng 40%.
Các chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) trong năm 2019 có khai thác ngành hàng mới là đồng hồ với 253 cửa hàng shop-in-shop (cửa hàng bán đồng hồ bên trong cửa hàng TGDĐ hoặc ĐMX). Theo thông tin từ MWG, công ty ghi nhận doanh thu 800 tỉ đồng từ việc bán 430.000 sản phẩm đồng hồ trong 10 tháng triển khai năm vừa qua.
TGDĐ và ĐMX cũng đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm máy tính xách tay với 26 trung tâm laptop và gần 500 điểm trưng bày sản phẩm trong TGDĐ và ĐMX từ tháng 9/2019. Ngoài ra, MWG cũng mở 17 cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ, nhắm đến các khách hàng chú trọng giá cả.
Điện thoại đóng góp chủ yếu cho doanh thu, nhưng tăng trưởng chậm lại
Dù số lượng cửa hàng chuỗi TGDĐ giảm do chuyển đổi sang chuỗi khác nhưng số cửa hàng kinh doanh điện thoại vẫn tiếp tục tăng, đạt hơn 2.000 điểm bán cuối năm 2019. Vì vậy, nhóm sản phẩm điện thoại vẫn là nguồn thu chính của MWG, chiếm 43% doanh thu. Theo sau là nhóm sản phẩm điện máy với tỉ trọng 39,5%.
Bóc tách theo chuỗi, Điện Máy Xanh - kinh doanh cả các sản phẩm điện máy lẫn điện thoại - mang lại 57% doanh thu cho MWG, theo sau là chuỗi Thế Giới Di Động với 32,5%.
Tính chung các sản phẩm kinh doanh chính gồm điện thoại, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của MWG trong năm 2019. Sản phẩm điện thoại đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu nhưng tăng trưởng chỉ 2% so với năm 2018, cho thấy thị trường này đang bão hòa.
Tăng trưởng doanh thu mạnh nhất là nhóm sản phẩm điện lạnh và điện gia dụng với tỉ lệ lần lượt 32% và 41% so với năm 2018.
Cùng với việc có thêm 852 cửa hàng trong năm 2019, chi phí bán hàng của MWG cũng tăng theo, tương đương khoảng 12,2% doanh thu thuần, trong khi năm 2018 là 11,1%.
Bảng cân đối kế toán của MWG cũng nở to ra rõ rệt. Cụ thể, tổng tài sản cuối năm là 41.708 tỉ đồng, tăng 48,3% (tương đương 13.586 tỉ đồng) so với ngày 1/1/2019. Do có thêm nhiều cửa hàng nên giá trị hàng tồn kho cuối năm tăng 8.300 tỉ đồng (hay 47,6%) so với ngày đầu năm, lên mức 25.745 tỉ đồng.
Việc hàng tồn kho vọt là nguyên nhân chủ yếu khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MWG âm 1.286 tỉ đồng trong năm 2019, trong khi năm 2018 dòng tiền này dương 2.261 tỉ đồng.
Chứng khoán HSC mới đây dẫn lời ban lãnh đạo MWG cho biết hàng tồn kho cần phải được dự trữ 3-4 tuần trước dịp Tết, đây là mùa mua sắm cao điểm của điện thoại di động, hàng điện tử tiêu dùng và tạp hóa. Dịp Tết năm nay đến sớm vào ngày 25/1, do đó HSC cho rằng hàng tồn kho đã có thể đạt mức cao nhất tại thời điểm cuối tháng 12
Cũng theo HSC, ban lãnh đạo MWG khẳng định doanh thu dịp Tết Nguyên đán vừa qua khả quan và toàn bộ hàng tồn kho gia tăng đã được giải phóng.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả - chủ yếu là nợ ngắn hạn – tăng 58,6% (hay 10.425 tỉ đồng); vốn chủ sở hữu tăng 35,2% (3.161 tỉ đồng). Tỉ lệ nợ trên tổng tài sản cuối năm là gần 71% trong khi ngày đầu năm chỉ là 68%.
Năm 2020: Điện thoại, điện máy vẫn là chủ lực của MWG
MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2020 đạt 122.445 tỉ đồng, tăng 20% so với 2019; phấn đấu lợi nhuận sau thuế tăng 26% lên 4.835 tỉ đồng.
Công ty dự kiến hoạt động kinh doanh sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn mang lại dòng tiền chính trong năm 2020 khi chuỗi TGDĐ và ĐMX nhiều khả năng đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu.
Bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh (FCMGs) được kì vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh năm 2020 và giúp chuỗi BHX cải thiện tỉ lệ đóng góp trong tổng doanh thu của MWG lên xấp xỉ 20%.
Những mục tiêu quan trọng nhất của BHX năm 2020 là nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng phủ khắp miền Nam, duyên hải Nam Trung Bộ và cao nguyên để lấy thị phần, tiếp tục nỗ lực tăng trưởng doanh thu trung bình tháng trên cửa hàng và biên lợi nhuận gộp.