Bộ Y tế phản bác trước thông tin 'Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới tiêm đủ vắc xin COVID-19 cho 75% dân số'
Trang Facebook của báo The Straits Times (Singapore) hôm 17/7 đã đưa bảng so sánh số lượng vắc xin và tiến độ tiêm chủng của các quốc gia Đông Nam Á và đưa ra những dự đoán về thời gian hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của các nước. Theo đó, trang này cho rằng Việt Nam sẽ phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm vắc xin cho 75% dân số.
Liên quan đến thông tin trên, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW nhấn mạnh, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác và không có cơ sở, TTXVN đưa tin.
“Nếu chúng ta theo dõi tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực đang có dịch bệnh như TP HCM, các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao trong một thời gian ngắn", ông nhấn mạnh.
Ông Đặng Đức Anh cũng cho biết, trong quý III sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vắc xin, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng hai quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vắc xin Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Viện trưởng cũng cho biết,trong tuần này, Việt Nam sẽ nhận 3 triệu liều vắc xin COVID-19 Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX Facility. Ngoài ra, sắp tới Việt Nam sẽ nhận 100.000 liều từ Chính phủ Romania.
Dù nhu cầu vắc xin ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu tiêm cho khoảng 70 triệu người dân từ nay tới hết quý 1/2022, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng.
Để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng, Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh quá trình đàm phán, tìm mua vắc xin phòng COVID-19 từ nhiều nguồn trên thế giới. Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài 105 triệu liều đã cam kết và ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 đến đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.