Bỏ 'xin - cho' giấy phép bay được không?
Bamboo Airways dự kiến cất cánh trong quý IV/2018, sẽ cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines | |
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chính thức xin cấp phép bay |
Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không VN đối thoại với các hãng hàng không chung,bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. |
6 tháng không xin được giấy phép bay
Chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Hải Âu Trần Trọng Kiên cho biết: “Hiện, quy trình xin phép bay rất vất vả, thậm chí đau khổ của một hãng hàng không chung”.
“Chúng tôi phải mất 6 tháng mới có thể được Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu đồng ý cho phép bay khảo sát địa chất cho Liên đoàn Vật lý địa chất của Bộ TN&MT tại miền Trung. Cũng như vậy, từ tháng 1/2018, chúng tôi đã xin phép bay từ Hà Nội và Hạ Long đi Cô Tô nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi”, ông Kiên nói và cho biết thêm: Theo quy định hiện hành, những đường bay nằm ngoài đường bay hàng không dân dụng đều phải xin phép Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng mới được bay.
Đại diện Hải Âu cũng cho biết, một trong những nội dung trong đơn đề nghị cấp phép bay theo Nghị định 125 về quản lý hoạt động bay là phải nêu rõ đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam. “Máy bay của Hải Âu về kỹ thuật có thể bay tầm thấp, bằng mắt thường để đi thẳng từ Nội Bài xuống Hạ Long. Đã nói bay bằng mắt, tầm thấp thì làm gì có đường. Xin bay thẳng không được, chúng tôi đành phải xin bay theo đường W3 từ Hà Nội đi Cát Bi rồi mới vòng lại Hạ Long. Có thời gian đường W3 đóng cửa, chúng tôi phải theo đường W5 xuống Nam Hà rồi mới đi Hạ Long. Bay như vậy thay vì chỉ mất 45 phút, chúng tôi phải đi thành 1 giờ 30 phút, thêm biết bao chi phí, bảo sao doanh nghiệp không có lãi”, vị này ngán ngẩm nói.
Đồng cảm với những khó khăn của Hải Âu, cựu Tổng giám đốc doanh nghiệp này - TS. Lương Hoài Nam đặt câu hỏi: Về cơ bản, ở nước ta mọi chuyến bay đều phải xin phép và phải được cấp phép bay trước khi cất cánh, với hành trình bay, mực bay cụ thể. Nhưng làm sao nhà khai thác trực thăng biết được bệnh nhân sẽ ở đâu, hỏa hoạn sẽ ở chỗ nào để xin phép bay trước?
Bầu trời cũng chưa mở với Công ty CP Hàng không Bầu trời xanh (Blue Sky) khi theo ông Đỗ Anh Quân, Tổng giám đốc hãng này, công ty dự định cung cấp dịch vụ bay taxi từ TP HCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Dương và Đồng Nai cũng như bay dịch vụ ngắm cảnh tại TP HCM. Cục Hàng không VN cũng đã có văn bản gửi Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng xin ý kiến về kế hoạch khai thác này từ tháng 11/2010 nhưng đến giờ vẫn chưa có ý kiến trả lời.
"Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không VN có trách nhiệm làm việc với các hãng hàng không chung, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất Bộ GTVT hướng xử lý, quan điểm là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động” - Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải |
Gỡ khó cách nào?
Theo Cục Hàng không VN, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoạt động hàng không chung chưa phát triển là các quy định pháp lý còn chưa đầy đủ, trong đó có việc chưa có quy định về khu vực hoạt động hàng không chung với các tàu bay khai thác ngoài đường hàng không.
Đồng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, vướng mắc cơ bản nhất đối với hoạt động hàng không chung tại Việt Nam là thiếu quy hoạch, phân chia không phận ra các vùng không phận được kiểm soát, không phận phi kiểm soát, thiếu các bản đồ không lưu chi tiết; thiếu quy chế bay tầm thấp với cơ chế điều hành bay (trách nhiệm thuộc cơ quan điều hành không lưu bay) hoặc cơ chế hỗ trợ bay (trách nhiệm thuộc người điều khiển phương tiện bay), tương ứng với thủ tục xin phép bay hoặc thông báo bay.
Ông Nam đề nghị các cơ quan chức năng ban hành quy định quản lý các hoạt động bay chi tiết phù hợp với các điều kiện đặc thù của các phương tiện bay hàng không chung (tàu bay nhỏ và siêu nhẹ, thủy phi cơ, trực thăng, tàu lượn, dù lượn, khinh khí cầu, drone). Cùng đó, nên áp dụng thủ tục thông báo bay (thay vì xin phép bay) cho các hoạt động bay hàng không chung tầm thấp trong các vùng trời không kiểm soát theo thông lệ quốc tế; Áp dụng thủ tục xin và cấp phép bay đơn giản cho các tàu bay cá nhân, tàu bay doanh nghiệp phi kinh doanh sử dụng các đường bay hàng không dân dụng nội địa.
Đồng tình với những kiến nghị trên, đại diện Hàng không Hành Tinh Xanh đề nghị cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại hệ thống pháp luật xem đã thực sự khuyến khích hoạt động hàng không chung chưa. Vị này cũng đề nghị bổ sung điều khoản gia hạn giấy phép kinh doanh hàng không trong Nghị định 92 quy định các điều kiện kinh doanh hàng không thay vì chỉ có điều kiện liên quan đến thu hồi giấy phép như hiện nay.
“Nghị định 92 chưa thực sự phù hợp với hàng không chung. Điều kiện duy trì sự tồn tại hoạt động của hãng hàng không chung. Đề nghị bổ sung điều khoản về gia hạn giấy phép kinh doanh hàng không chung. Hiện tại, Nghị định 92 chỉ có điều khoản liên quan đến thu hồi giấy phép”, vị này nói và cho rằng, để có được Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung quá khó khăn. Sau đó, điều kiện sau 18 tháng phải có AOC và hoạt động bay càng thêm khó nữa. Nhiều khi hãng gần đến đích, gần đáp ứng điều kiện, lại hết thời hạn. Khi đó lại thu hồi giấy phép. Thu hồi xong, 12 tháng sau mới được xin phép lại. Khi đó lại thành lính mới, làm lại từ đầu.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết, việc hàng không chung chưa phát triển xứng với tiềm năng, kỳ vọng là một trong những điều lãnh đạo Bộ GTVT rất băn khoăn. “Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong đó có kinh doanh hàng không. Hiện, Bộ trưởng đã giao Vụ Vận tải phối hợp cùng với các cơ quan, trong đó Cục Hàng không VN là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo sửa Nghị định 92. Đây chính là cơ hội để chúng ta rà soát lại và sửa Nghị định 92 cho phù hợp, tạo điều kiện kinh doanh hàng không chung”, ông Ngọc nói và cho biết: Thời gian qua, thực tế nhiều hãng hàng không đã không thể đáp ứng quy định có AOC và hoạt động bay 18 tháng sau khi được cấp giấy phép kinh doanh. Đây là vấn đề phải đánh giá kỹ và xem có phải sửa đổi bổ sung hay không?.