|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quỹ đất xây nhà ở xã hội tại 11 tỉnh, thành

09:59 | 25/11/2021
Chia sẻ
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra đối với 11 tỉnh, thành phố về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quỹ đất xây nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị ở 11 tỉnh thành - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Zingnews đưa tin, theo kế hoạch thanh tra năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hai chuyên đề diện rộng tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Ở chuyên đề thứ nhất, Bộ Xây dựng thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn với các chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ở chuyên đề hai, đối tượng thanh tra sẽ là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội với các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Trả lời trên TTXVN, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc thanh tra những vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm như quỹ bảo trì chung cư sẽ nhằm giải quyết tình trạng chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì và phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Với nội dung này, Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ đạo nóng để chấn chỉnh, yêu cầu các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân quan tâm, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đặc biệt, chú trọng đến khâu quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì để góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Ông Tuấn cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn là vấn đề quỹ đất. Bởi vậy, kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cũng sẽ góp một phần trong việc giải bài toán này.

"Việc rà soát có thể giúp nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. 

Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, cũng như Bộ Xây dựng", ông Tuấn khẳng định.

Chu Lai