|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Xây dựng chuyển 5.877 tỉ đồng giá trị vốn đầu tư nhà nước về SCIC

14:15 | 01/09/2020
Chia sẻ
4 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã hoàn tất chuyển giao gần 5.877 tỉ đồng giá trị vốn đầu tư của nhà nước về SCIC.

Ngày 31/8, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà - CTCP, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (VIWASEEN), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP (FICO), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC) từ Bộ Xây dựng sang SCIC.

SCIC - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành trao biên bản bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng sang SCIC. (Ảnh: SCIC)

Theo biên bản chuyển giao được kí kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng được chuyển giao về SCIC lần này là gần 5.877 tỉ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam là hơn 312 tỉ đồng, chiếm 87,32% vốn điều lệ; Tổng công ty Sông Đà gần 4.486 tỉ đồng, chiếm 99,79% vốn điều lệ của doanh nghiệp;  Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 là 509 tỉ đồng chiếm 40,08% vốn điều lệ; Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam gần 569,5 tỉ đồng, chiếm 98,16% vốn điều lệ.

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng sang SCIC được thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Tổng công ty Sông Đà được thành lập từ năm 1961. Công ty tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các nhà máy điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, công trình dân dụng; chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng; cung cấp dịch vụ nhân lực, công nghệ xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Tổng công ty chính thức chuyển sang mô hình CTCP từ ngày 6/4/2018 với vốn điều lệ hơn 4.495 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, hết năm tài sản của Sông Đà là 15.132 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 4.551 tỉ đồng và nợ phải trả là 10.580 tỉ đồng.

Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (VIWASEEN) được thành lập ngày 25/11/2005 trên cơ sở tổ chức lại các công ty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng gồm Công ty Xây dựng Cấp thoát nước – WASEENCO, Công ty Đầu tư Xây dựng Cấp thoát nước – WASECO, Công ty Tư vấn Cấp thoát nước số 2 – WASE.

VIWASEEN là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – con với 23 đơn vị thành viên là các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cấp thoát nước và môi trường trên phạm vi cả nước.

Hiện vốn điều lệ của Tổng công ty là 580 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II, qui mô tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 30/6 là 2.336 tỉ đồng, tổng nợ đi vay là 601 tỉ đồng.

Nửa đầu năm Tổng công ty lỗ 9 tỉ đồng và lỗ luỹ kế gần 10 tỉ đồng tại ngày 30/6.

Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) tiền thân là Cục Thiết kế Dân dụng – Nhà Kiến trúc được thành lập tháng 4 năm 1955. Tổng công ty có vốn điều lệ gần 358 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020, tại ngày 30/6 tổng tài sản của VNCC là 1.153 tỉ đồng, tổng nợ đi vay gần 44 tỉ đồng.

Tổng công ty Vật Liệu Xây Dựng Số 1 – CTCP (FICO) thành lập trên cơ sở Công ty Vật liệu Xây dựng số 1, trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1976.

Tổng Công ty FICO có tổng số 8 đơn vị thành viên. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: Sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản như gạch, ngói, gạch block, gạch ceramic, gạch ốp lát, cao lanh, sứ vệ sinh; xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản.

FICO có vốn điều lệ 1.270 tỉ đồng. Qui mô tổng tài sản tại ngày 30/6 là 3.393 tỉ đồng, tổng nợ đi vay là 1.190 tỉ đồng.

Hoàng Kiều

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.