|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Xây dựng nói gì về tình hình kinh doanh yếu kém của TCT Sông Hồng, Sông Đà và Lilama?

08:07 | 04/08/2020
Chia sẻ
Sau cổ phần hoá, TCT Sông Hồng và Lilama đều kinh doanh thua lỗ còn TCT Sông Đà dù kinh doanh có lãi nhưng tổng nợ phải trả gấp hơn hai lần vốn chủ sở hữu. Bộ Xây dựng đang triển khai thoái vốn tại hai đơn vị yếu kém là Lilama và TCT Sông Hồng ngay trong năm nay.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phản ánh của Báo Tiền phong liên quan tới loạt doanh nghiệp "con cưng"như Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama), Tổng công ty Sông Đà – CTCP sau cổ phần hoá rơi vào cảnh làm ăn bết bát.

TCT Sông Hồng xin bán vốn vì thua lỗ

Về Tổng công ty (TCT) Sông Hồng, Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thàn công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 2/6/2010 với vốn điều lệ 270 tỉ đồng.

Hiện, vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện sở hữu nắm hơn 13,2 triệu cổ phần, chiếm 49,04% vốn.

Giai đoạn năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của TCT Sông Hồng gặp nhiều khó khăn.

Thep Báo Tiền phong, những năm gần đây, TCT Sông Hồng gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Năm 2019, TCT lỗ gần 67 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng.

Trước tình trạng thua lỗ, tháng 9/2019, TCT đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì TCT đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

TCT cho biết, các công trình, công việc chuyển tiếp từ năm trước sang rất ít do nợ nhóm 5 tại ngân hàng nên không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu.

Bộ Xây dựng cho biết tháng 8/2016, Bộ đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện TCT qua việc "thay máu" lãnh đạo cấp cao, tái cấu trúc vốn, tái cấu trúc tài chính, thu hồi vốn cùng công nợ, tái cơ cấu nợ và tái khởi động công tác chuẩn bị các dự án.

Từ tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa  TCT vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Hiện, Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai công tác thoái hết hơn 49% vốn tại đây trước ngày 30/11/2020. Trường hợp không thoái thành công sẽ chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

TCT Sông Đà gánh gần 10.600 tỉ đồng nợ phải trả

Với Tổng công ty Sông Đà, Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang mô hình CTCP từ ngày 6/4/2018 với vốn điều lệ hơn 4.495 tỉ đồng. Trong đó, Bộ Xây dựng đại diện vốn nhà nước nắm 99,79%.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, hết năm tài sản của TCT Sông Đà là 15.132 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 4.551 tỉ đồng và nợ phải trả là 10.580 tỉ đồng.

Trong đó, nợ phải trả công ty mẹ là 6.647 tỉ đồng, nợ do công ty mẹ vay để cho vay lại là 2.956 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,32 lần, thấp hơn mức 3 lần qui định.

Bộ Xây dựng giải trình tỉ lệ này duy trì trong mức an toàn, các khoản nợ đều trong hạn thanh toán. TCT không có nợ quá hạn hoặc nợ xấu, kinh doanh có lãi và bảo toàn được vốn.

Về kế hoạch thu xếp nguồn thu để thanh toán nợ, với các khoản vay cho vay lại, TCT sẽ thu của các đơn vị theo hợp đồng đã kí. Đối với các khoản vay và nợ phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty mẹ (6.647 tỉ đồng), TCT sẽ thu tiền nợ khối lượng xây lắp hoàn thành các công trình 3.757 tỉ đồng, thu tiền khối lượng xây lắp các công trình đã thi công dở dang khoảng 2.000 tỉ, thu từ thoái vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ.

TCT sẽ thoái vốn tại các đơn vị CTCP là Điện Việt Lào do Sông Đà nắm 35,11%, tương ứng giá trị đầu tư là 1.107 tỉ đồng; Sudico do TCT sở hữu 36,35% vốn ứng với giá trị đầu tư là 1.065 tỉ và Thuỷ điện Cửa Đạt do Sông Đà nắm 6,8% vốn, giá trị đầu tư khoảng 55 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết hiện đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại TCT chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.

Năm 2018 và 2019, Lilama lỗ đậm

Cuối cùng là TCT Lilama, Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thành cổ phần hoá và chính thức chuyển sang CTCP từ ngày 6/4/2016 với vốn điều lệ hơn 797 tỉ đồng. Vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện sở hữu là 97,88%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, doanh thu của Lilama là 7.042 tỉ đồng, giảm 47,5% so với năm 2018 và lỗ sau thuế 86 tỉ đồng nhưng đã cải thiện so với con số lỗ 182 tỉ năm 2018.

Tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là 8.175 tỉ đồng, giảm 37% so với đầu năm.

Giải trình nguyên nhân doanh thu và tài sản giảm, Bộ Xây dựng cho biết năm 2019 Lilama đã thoái vốn tại 7 công ty. Trong đó thoái hết tại 3 công ty và thoái một phần vốn từ công ty con xuống thành công ty liên kết 4 đơn vị.

Cuối năm 2019, Lilama có 5 công ty con và 11 công ty liên kết trong khi cuối năm 2018 có 10 công ty con và 10 công ty liên kết. Năm 2019, công ty con giảm dẫn đến doanh thu và tài sản hợp nhất giảm.

Bên cạnh đó, ngành xây lắp gặp khó do các dự án đầu tư công đình hoãn, giãn tiến độ. Doanh thu có được của năm 2018 và 2019 đều từ các dự án đã triển khai trước năm 2017 và đi vào giai đoạn cuối và hai năm này gần như không có dự án lớn triển khai khiến doanh thu giảm mạnh.

Năm 2018 mặc dù công ty mẹ vẫn có lãi 51 tỉ đồng nhưng thị trường ngành xây lắp gặp khó bên cạnh một số công ty con và công ty liên kết thua lỗ (công ty con là CTCP Lisemco lỗ sau thuế 183 tỉ đồng) ảnh hưởng tới lợi nhuận TCT.

Đầu năm 2019, Lilama đã thoái vốn khỏi Lisemco nên không còn ảnh hưởng tới kết quả hợp nhất.

Còn sang tới năm 2019, công ty mẹ Lilama có lãi 63 tỉ đồng nhưng lãi hợp nhất âm 86 tỉ đồng do đến hết năm 2018 Lilama chưa thoái vốn Lisemco nên phải trích lập dự phòng phải thu gần 332 tỉ đồng.

Khoản trích lập dự phòng khi lên báo cáo tài chính hợp nhất được loại ra và ghi tăng lợi nhuận hợp nhất những năm trước theo hướng dẫn tại Thông tư 202 của Bộ Tài chính.

Năm 2019, Lilama thoái vốn Lisemco nên khoản dự phòng được ghi nhận khiến lãi sau thuế hợp nhất âm.

Bộ Xây dựng cho viết đã chỉ đạo doanh nghiệp tập trung quyết toán, thu hồi công nợ còn tồn đọng kéo dài tại các dự án. Riêng tại dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, dự án đã vận hành hiệu quả trên 5 năm, hết thời gian bảo hành 3 năm nhưng khoản công nợ chủ đầu tư PVN chưa thanh toán cho Lilama là gần 1.416 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Lilama sẽ tái cấu trúc toàn diện cùng với việc thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết, khoản đầu tư không hiệu quả.

Hiện, Bộ Xây dựng đang triển khai giảm vốn nhà nước tại Lilama về 51% trong năm 2020.

Bộ Xây dựng cho biết cuối năm 2015, Bộ đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại 16 tổng công ty gồm 9 Tổng công ty – TNHH MTV và 7 Tổng công ty – CTCP.

Hết tháng 6/2020, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp.

14/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đã cổ phần hoá. Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá có 3 đơn vị niêm yết gồm DIC, Viglacera, IDICO và 11 đơn vị giao dịch UPCoM.

Hiện, Bộ Xây dựng đang thực hiện cổ phần hoá với hai đơn vị còn lại là Tổng công ty HUD và VICEM.

Hoàng Kiều