Tổng công ty Sông Đà: Gần 1.150 tỷ đồng nợ trái phiếu đến hạn tất toán năm nay
Phải thu – phải trả bên liên quan “khủng”, hơn 5.220 tỷ đồng cổ phiếu công ty thành viên được thế chấp
Theo cập nhật số liệu mới nhất của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà, tổng nợ phải trả đến ngày 30/9 là 10.760 tỷ đồng, giảm 500 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của tổng công ty này, chỉ giảm từ 2,46 lần xuống 2,34 lần. Tình trạng “vốn mỏng” vẫn chưa cải thiện, khi vẫn phụ thuộc chính vào nguồn vốn vay bên ngoài.
Trong cơ cấu nợ phải trả của công ty mẹ, nợ vay ngân hàng là 5.270 tỷ đồng, còn lại là các khoản phải trả nhà cung cấp, nhận ủy thác đầu tư, đa số là các khoản liên quan đến công ty con, công ty liên kết. Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà cũng ghi nhận nhiều khoản phải thu của bên liên quan.
Một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính đánh giá tình hình công nợ của công ty mẹ chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ với các công ty con và công ty liên kết. Rủi ro tiềm ẩn từ trường hợp các công ty con, công ty liên kết gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán là điều được Bộ này nhấn mạnh.
Ngoài góp vốn và nợ đọng phải thu – phải trả, một mối quan hệ khác giữa Tổng công ty Sông Đà và các đơn vị thành viên chưa được nhắc đến nhiều là việc tổng công ty sử dụng cổ phiếu của các đơn vị để làm tài sản thế chấp các khoản vay.
Cổ phần của ba công ty con, công ty liên kết lớn nhất của Tổng công ty Sông Đà có vốn góp trên 1.000 tỷ đồng đều đang được thế chấp, gồm Thủy điện Cần Đơn (1.010 tỷ đồng), CTCP Điện Việt Lào (1.107 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà (Sudico, mã SJD) với giá trị phần vốn góp 1.065 tỷ đồng. Tổng cộng có cổ phần của 12/23 công ty công và liên doanh, liên kết đã được sử dụng để thế chấp.
Gần 1.150 tỷ đồng nợ trái phiếu đến hạn tất toán năm nay
Trong gần 5.300 tỷ đồng vay nợ các ngân hàng và phát hành trái phiếu, Tổng công ty Sông Đà hiện có 1.160 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho ba ngân hàng (BIDV, TPBank và BaoVietBank) sẽ đến hạn tất toán vào ngày 30/12/2020. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất kỳ đầu tiên là 11%/năm và lãi suất thả nổi áp dụng cho các kỳ sau cộng thêm biên độ 4%/năm.
Sông Đà phát hành số trái phiếu trên nhằm thanh toán khoản trái phiếu phát hành năm 2015. Đây cũng không phải lần đầu tiên tổng công ty đảo nợ theo cách này. Bản thân số trái phiếu phát hành năm 2015 cũng nhằm chi trả số trái phiếu kỳ hạn 5 năm (2010-2015), trị giá 1.500 tỷ đồng.
Ban đầu, Sông Đà phát hành trái phiếu chuyển đổi nhưng sau đó các nhà đầu tư đã không thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phần. Tới thời hạn tất toán lần này, tổng công ty sẽ không áp dụng được cách này thêm. Nguyên nhân bởi quy định mới của NHNN áp dụng từ tháng 6/2018 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Phần lợi nhuận tích lũy trong quá trình kinh doanh của tổng công ty đến hết quý III vừa qua vẫn khá khiêm tốn, chỉ khoảng gần 89 tỷ đồng. Con số này không đáng kể nếu xét với quy mô tổng tài sản hay giá trị khoản nợ trên. . Để thu xếp dòng tiền, ngoài nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, việc thoái vốn tại các đơn vị thành viên được kỳ vọng có thể mang về nguồn tiền và lợi nhuận lớn cho tổng công ty.
Tại Sudico – một doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn đồng thời cũng đã niêm yết trên HoSE từ khá lâu, tổng công ty đang là cổ đông lớn nhất nắm trên 36% vốn. Theo chia sẻ trước đây của lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà cho biết, việc thoái vốn Sudico do Bộ Xây dựng quyết định. Dù nắm trong tay diện tích đất lớn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này nhiều năm nay gặp khó khăn.
Sudico hiện còn chưa có nguồn tiền để chi trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông. Hiện giá cổ phiếu SJD đang giao dịch trên thị trường ở mức 17.500 tỷ đồng/cổ phiếu. Với mức giá trên, số tiền mà tổng công ty có thể thu về nếu bán toàn bộ hơn 35 triệu cổ phiếu ước tính đạt khoảng 600 tỷ đồng.
Báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính mới đây cũng nhấn mạnh việc chậm chế quyết toán vốn Nhà nước tại tổng công ty. Theo đó, dù Tổng công ty Sông Đà chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ 6/4/2018, nheng đến thời điểm tháng 12/2019 (quá 1 năm so với thời gian quy định), Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Sông Đà. Theo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc chậm trễ khi thực hiện nội dung này và đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn tất việc quyết toán.