|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng tài chính G20: Cần xây dựng hệ thống thuế cho các 'đại gia' công nghệ

20:42 | 08/06/2019
Chia sẻ
G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu và sửa lại hệ thống thuế quốc tế đã có phần lỗi thời.
Bộ trưởng tài chính G20: Cần xây dựng hệ thống thuế cho các đại gia công nghệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Fukuoka, Nhật Bản ngày 8/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/6, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất cần phải có một hệ thống thuế toàn cầu dành cho những “người khổng lồ” Internet như Google và Facebook.

Theo đó, G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu và sửa lại hệ thống thuế quốc tế đã có phần lỗi thời. Hệ thống này đã chứng kiến một số “đại gia” ngành công nghệ tận dụng những nơi có mức thuế thấp như Ireland và gần như không trả thuế ở những nước khác mà họ kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ đó.

Tại cuộc họp, Tổng thư ký OECD, ông Angel Gurria đã trình bày một “lộ trình” trước các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương của G20 tại cuộc họp này. Lộ trình đã được 129 quốc gia ký kết sơ bộ như một phần trong nỗ lực đạt được một giải pháp dài hạn vào năm 2020.

Trong khi vẫn tồn tại những lỗ hổng về nội dung cụ thể của cải cách này, các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đánh thuế các công ty Internet lớn.

Cuộc tranh luận của G20 về những thay đổi đối với hệ thống thuế tập trung vào hai trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên là phân chia quyền đánh thuế một công ty cho quốc gia nơi hàng hóa hoặc dịch vụ của họ được bán, ngay cả khi công ty đó không có sự hiện diện thực sự ở quốc gia đó.

Nếu các công ty vẫn có thể tìm cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế”, thì các quốc gia có thể áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thỏa thuận sau đó. Đây là trụ cột thứ hai của cuộc tranh luận.

Trước khi cuộc họp chính thức khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh hơn và đặt ra một khung thời gian tham vọng hơn để đạt được sự đồng thuận trên toàn cầu. Ông Le Maire nói rằng lịch trình phù hợp nhất là các quốc gia đạt được thỏa hiệp vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói rằng việc đánh thuế các “đại gia” Internet một cách công bằng là câu trả lời cho vấn đề bị công chúng coi là sự bất công trong hệ thống thuế.

Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất khác, bao gồm cách tiếp cận do Mỹ dẫn dắt có thể ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia của châu Âu và châu Á trong các lĩnh vực khác ngoài công nghệ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đưa ra một số nhận định thẳng thắn về các chính sách ở nước Anh và Pháp, nơi đã áp dụng biện pháp thuế của riêng họ đối với các công ty kỹ thuật số. Ông Mnuchin cũng cho hay dù Chính phủ Mỹ có một số quan ngại đối với hai loại thuế đang được Pháp và Anh đề xuất, song Washington đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy cho những vấn đề này.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng cũng đã thống nhất ý kiến về một bộ nguyên tắc để quản lý hoạt động sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các bộ trưởng nói rằng những người sử dụng hoặc các nhà phát triển AI nên tôn trọng luật pháp, nhân quyền và các giá trị dân chủ.

Đồng thời, các hệ thống AI phải mạnh mẽ, an toàn và bảo mật trong toàn bộ vòng đời của chúng để những hệ thống này có thể hoạt động phù hợp và không dẫn đến những rủi ro vô lý.

Một chủ đề khác cũng chi phối cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 là tác động của những xung đột thương mại toàn cầu đang gia tăng đối với triển vọng kinh tế ngày càng mong manh của thế giới.

Song chỉ vài giờ trước khi cuộc họp bắt đầu, tin cho hay Washington sẽ đình chỉ vô thời hạn kế hoạch áp thuế đối với Mexico sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận về vấn đề người di cư đã khiến các quan chức phấn chấn hơn.

H.Thủy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.