G20: Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi vào cuối năm
Các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu, tụ họp tại buổi gặp mặt mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã đồng ý rằng nền kinh tế toàn cầu đã mất động lực tăng trưởng trong năm nay.
Tuy nhiên, họ dự báo tăng trưởng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2019, khi các ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
Mặc dù vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ làm xấu đi triển vọng kinh tế.
"Chúng tôi phải lưu tâm đến sự leo thang căng thẳng thương mại", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (12/4).
Nhật Bản giữ chức chủ tịch của Nhóm 20 nền kinh tế lớn, theo CNBC.
Chủ tịch WB David Malpas và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Thứ Sáu (12/4), G20 cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới đã chật vật vào cuối năm ngoái và đầu năm nay do căng thẳng thương mại leo thang, thị trường tài chính hỗn loạn và lãi suất tăng.
Cùng với đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,6% trong năm ngoái xuống 3,3% vào năm 2019, ghi nhận mức chậm nhất kể từ năm suy thoái năm 2009, nhưng dự đoán tăng trưởng sẽ trở lại mức 3,6% vào năm 2020.
Cũng trong ngày 12/4, Haruhiko Kuroda, người đứng đầu ngân hàng trung ương Nhật Bản, cho biết các quan chức G20 đã nhìn nhận dự báo vừa được sửa đổi của IMF rất có khả năng xảy ra, nhưng cho hay tất cả quốc gia sẽ cần phải đóng góp để thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhà dự báo đang lo ngại về cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đánh thuế quan đối với hàng hóa trị giá 350 tỉ đô la mỗi quốc gia. Cuộc chiến nổ ra vì cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc triển khai các "chiến thuật cướp bóc", gồm cả tội phạm mạng và buộc các công ty nước ngoài phải giao bí mật thương mại, trong một nỗ lực để đánh bại sự thống trị công nghệ của Mỹ.
Thị trường tài chính đã tăng điểm trong năm nay với hi vọng hai quốc gia sẽ đạt được một thỏa thuận.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc của Quỹ tiền tệ quốc tế châu Á và Thái Bình Dương, cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm 12/4 rằng thị trường có thể sụp đổ nếu các nhà đàm phán không thể đạt được thỏa thuận.
Ngay cả một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể tạo ra những vấn đề mới, ông Rhee nói.
Nếu Bắc Kinh đồng ý nhập thêm hàng hóa từ Mỹ, như thị trường dự đoán, những giao dịch thua mua đó có thể khiến các quốc gia, đang hợp tác với Trung Quốc, phải trả giá. Ông Rhee cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho các công ty Mỹ quyền truy cập ưu đãi, vượt qua các quốc gia khác và dẫn đến lo ngại lớn hơn về tương lai của thương mại tự do.
Ông Rhee cũng cho biết hòa bình thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nếu hai nước không thể đạt được thỏa thuận dài hạn, theo đó yêu cầu Bắc Kinh phải cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện các cải cách kinh tế khác.