IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/4 đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.
Trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với "thời điểm nhạy cảm", bị tác động bởi những nguy cơ như sự phục hồi kinh tế yếu trong bối cảnh xuất hiện nhiều căng thẳng thương mại, Brexit và các yếu tố khác. Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng lên mức 3,6% trong năm 2020, nhờ những nhân tố tích cực, trong đó phải kể đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Theo báo cáo trên, IMF cũng cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,3% so với dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng 1/2019. Thậm chí IMF còn điều chỉnh dự báo tăng trưởng này xuống còn 1,9% trong năm 2020.
Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống chỉ còn 1,3% trong năm 2019 và nhích lên mức 1,5% trong năm 2020, trong đó Đức và Italy là hai nền kinh tế bị tác động lớn nhất với mức tăng trưởng của Đức chỉ đạt 0,8% trong khi của Italy chỉ đạt 0,1%. Cả hai nền kinh tế trong số 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone này đều bị cắt giảm 0,5% mức tăng trưởng so với dự báo đưa ra hồi tháng Giêng vừa qua.
Trước đó, trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra từ ngày 12-14/4 tới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 2/4 cũng nhận định tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 có thể sẽ chậm hơn so với dự báo trước đó song có thể bật tăng "tạm thời" vào cuối năm. Tuy nhiên, IMF cho rằng sẽ không có suy thoái trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, người đứng đầu IMF cũng kêu gọi các chính phủ thành viên ngăn chặn các mối đe dọa đang ngày một tăng thông qua việc hiện đại hóa hệ thống thuế, cắt giảm nợ công, giảm tình trạng mất cân bằng thu nhập. Bà cũng nhắc lại cảnh báo về việc áp đặt các hàng rào thuế quan, cho rằng động thái này không khác gì "tự giáng đòn lên chính mình", ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế cũng như khiến không bên nào giành thắng lợi.
IMF đã xem lại phân tích tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, theo đó, việc hai nước áp đặt các mức thuế theo kiểu "ăn miếng, trả miếng" sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sụt giảm 0,6%, trong khi GDP của Trung Quốc giảm tới 1,5%. Do đó, chính phủ các nước nói chung cần hợp tác giảm hàng rào thuế quan và hiện đại hóa hệ thống thương mại toàn cầu.