Bộ trưởng Tài chính đưa ra 5 giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước đưa ra 5 giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, theo Báo Chính phủ.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: Rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bộ trưởng cho biết, trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.
Thứ hai, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN; đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt,... gây ảnh hưởng đến thị trường.
Thứ ba, tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiêpj phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và NHNN sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán.
Thứ tư, về tổ chức điều hành thị trường, Bộ sẽ rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các DN đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.
Thứ năm, về bảo đảm thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị với NHNN tập trung triển khai các biện pháp điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp khó khăn.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, đang thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Mới đây, ngày 23/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với 39 doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán để trao đổi về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu và những đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành sử dụng mọi nguồn lực để bảo đảm thanh toán gốc, lãi trái phiếu như cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, theo đó chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư để nắm bắt về tình hình tài chính của doanh nghiệp.