|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điệp khúc được mùa mất giá chưa có hồi kết: Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản

20:15 | 07/06/2022
Chia sẻ
Trước điệp khúc được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết, Đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chiều 7/6, Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, sản xuất nông nghiệp có thể khẳng định là thế mạnh, là cứu cánh cho nền kinh tế- xã hội nước ta trong những điều kiện, tình huống khó khăn.

Tuy nhiên, ông chỉ rõ tình trạng nông nghiệp có phát triển nhưng đời sống của người nông dân chưa cao; tình trạng được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Do đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

"Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Hiện Bộ NN&PTNT đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào.

"Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: VPG)

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng.

Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún".

Từ đó, nếu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Như Huỳnh