Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cảnh báo OPEC có khả năng sụp đổ
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố siết chặt lệnh trừng phạt lên dầu mỏ Iran một vài tuần trước.
Bình luận này dường như đang ám chỉ Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
CNBC đưa tin, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã siết chặt lênh trừng phạt năng lượng đối với Iran hôm 2/5 và Nhà Trắng cho biết hai nước trên sẽ hợp tác cùng Mỹ trong việc bù đắp nguồn cung sụt giảm.
"Iran, thành viên của OPEC, chỉ vì lợi ích của mình, và nếu một số thành viên OPEC muốn đe dọa và gây hại đến Iran, Iran sẽ không kiềm chế trong việc phản ứng với những động thái như vậy", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh phát biểu ngay sau một cuộc họp với Tổng thư kí OPEC Mohammed Barkindo tại Tehran vào ngày 2/5.
"Tôi nói với ông Barkindo rằng OPEC đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa đơn phương của một số nước thành viên và tổ chức này có khả năng sụp đổ", ông Zangeneh nói.
Lệnh trừng phạt của Mỹ, được áp dụng vào tháng 11/2018, đã giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống một triệu thùng/ngày.
Ngày 2/5, chính quyền của ông Trump đã ngừng miễn trừ trừng phạt cho một số khách hàng lớn của Iran.
Các nhà phân tích hiện dự đoán xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm thêm vài trăm nghìn thùng/ngày.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh phát biểu sau một cuộc họp với Tổng thư kí OPEC Mohammed Barkindo tại Tehran vào hôm 2/5.
Arab Saudi đã không đưa ra cam kết rõ ràng về việc lấp đầy khoảng trống do nguồn cung thiếu hụt. Sau khi Mỹ tuyên bố chấm dứt miễn trừ trừng phạt, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih cho biết nước này sẽ tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất và khách hàng nhằm đảm bảo một thị trường dầu mỏ cân bằng và ổn định.
OPEC cùng các đồng minh trên thị trường dầu mỏ, trong đó có Nga, dự kiến sẽ gặp mặt vào ngày 25 - 26/6 tại Vienna để quyết định có nên gia hạn thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu, vốn được kí kết vào tháng 1 và hết hạn vào cuối tháng 6 tới.
Arab Saudi có thể nâng sản lượng và vẫn tuân thủ thỏa thuận này vì hiện tại họ đang bơm dưới hạn ngạch khoảng 500.000 thùng dầu/ngày.
Bình luận mang tính châm biếm từ các quan chức Iran không phải là hiếm và thường dẫn đến những động thái gây bất ổn. Tuy nhiên, bình luận trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng tăng cao.
Liên minh của OPEC với Nga đã dấy lên lo ngại trong khối rằng việc ra quyết định đang bị chi phối bởi Arab Saudi, Nga và một nhóm các nhà sản xuất chính, trong đó có UAE.
Mùa thu năm ngoái, Qatar cho biết sẽ rời OPEC sau 57 năm làm thành viên.
Quốc gia giàu khí đốt tự nhiên này phủ nhận rằng họ đưa ra quyết định trên là vì bị Arab Saudi và UAE cấm vận từ tháng 6/2017.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar sau đó cho hay với tư cách là một nhà sản xuất dầu thô nhỏ, họ không có tiếng nói trong khối OPEC.