|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Câu chuyện lợi ích quanh giếng dầu Iran

22:08 | 02/05/2019
Chia sẻ
Quyết định của Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu của Iran đang bị nhiều nước phản đối kịch liệt. Thậm chí nhiều nước lớn trên thế giới kêu gọi nhau cùng hợp lực chống lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Hợp lực chống lệnh trừng phạt

Truyền thông đưa tin rằng kể từ ngày 1-5-2019, Mỹ sẽ chấm dứt miễn trừ trừng phạt các nước nhập dầu Iran, sau đó, bất cứ nước nào tiếp tục mua dầu của Iran sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp Mỹ. Quyết định của Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu của Iran mới đây đã bị Trung Quốc kịch liệt phản đối.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vừa đưa ra tuyên bố rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và Iran là công khai, minh bạch, tuân thủ luật pháp, và sự hợp tác đó phải được đối xử với sự tôn trọng.

Vào giữa năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tuyên bố khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran đã làm dấy lên sự lo ngại ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc vẫn là nhà tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung bên ngoài, bao gồm Iran.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Iran có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới - 18,8 tỷ tấn. Theo tính toán của Reuters, kể từ năm 2016, EU đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các dự án ở Iran. Do đó, không chỉ Trung Quốc, mà ngay cả các đồng minh chính của Mỹ trong NATO cũng đã phản đối quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran.

Câu chuyện lợi ích quanh giếng dầu Iran - Ảnh 1.

Một khu khai thác dầu của Iran. Ảnh: AsiaNews.

Thế nhưng, Washington đã không đáp ứng yêu cầu của các đối tác và tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua dầu thô từ Iran. Mặc dù vậy, Mỹ cũng đã cấp quyền miễn trừ lệnh trừng phạt cho một số nhà nhập khẩu dầu Iran, bao gồm một số nước EU và Trung Quốc, cho họ thời gian để giảm dần việc mua dầu của nước này.

Ngay sau tuyên bố trên, giá dầu đã tăng mạnh. Giá dầu Brent đã tăng 3,4% và giá dầu WTI tăng 2,9%, và hiện vẫn tiếp tục tăng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: theo Reuters, trong quý đầu năm nay, Iran đã xuất khẩu trung bình 1,3 triệu thùng/ngày. Mặc dù Mỹ hứa rằng các lệnh trừng phạt Iran sẽ không dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu mỏ, nhưng, 1,3 triệu thùng/ngày vẫn cần phải được lấy từ đâu đó, và không ai có thể tăng sản lượng nhanh như vậy trong một thời gian ngắn. Do đó, không thể tránh khỏi tình trạng giá dầu tăng lên.

Trong điều kiện như vậy, Trung Quốc không thể ngay lập tức ngừng mua dầu từ Iran để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô với giá phải chăng. Các chuyên gia hoạch định chiến lược của Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc nên hợp tác với các đối tác Nga và EU để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Đồng thời, nên duy trì quan hệ hợp tác với Iran. Trên thực tế, cả EU và Nga cũng lên án các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.

M.Kobalev, chuyên gia phân tích chính trị người Nga nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ làm theo lệnh của Mỹ và ngay lập tức ngừng hợp tác với Iran. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ gây áp lực nghiêm trọng đối với các quốc gia khác, họ có thể công bố một số quyết định, nhưng, cuối cùng mọi thứ đều thay đổi.

Điều quan trọng nhất là xây dựng một giải pháp chung để đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ và cùng nhau cố gắng thay đổi tình hình”. Ông Kobalev cho rằng nước Mỹ đang chơi một “cuộc chơi ” đầy rủi ro.

Cuộc chơi may rủi

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với toàn bộ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran không chỉ đẩy giá “vàng đen” tăng lên mà còn tác động tới quan hệ giữa Mỹ và các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Iran, đồng thời châm ngòi cho những căng thẳng mới ở vùng biển quanh Vịnh Ba Tư.

Trên thực tế, động thái bất ngờ này của ông Trump nhằm gây sức ép tối đa để kéo xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ mức 1,5 triệu thùng/ngày hiện nay xuống ngưỡng gần bằng không, mục tiêu vốn đã được Washington theo đuổi từ lâu kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi tháng 5 năm ngoái.

Câu chuyện lợi ích quanh giếng dầu Iran - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh mẽ tới Iran. Ảnh: The Hindu.


Tuy nhiên, “nước cờ” này của ông chủ Nhà Trắng ẩn chứa những rủi ro kinh tế và chính trị, đặc biệt khi ông Trump đang bước vào chiến dịch tái tranh cử. Do đó, Mỹ ngay lập tức tuyên bố sẽ phối hợp với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hai quốc gia là đối thủ trong khu vực của Iran, để kiểm soát bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung và giữ giá dầu mỏ trong tầm kiểm soát.Hai tuần sau khi ông Trump thông báo đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố, quyết định mới nhất này của ông chủ Nhà Trắng được coi là “canh bạc” mà Washington tin rằng họ có thể gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Tehran mà không làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu hoặc “gây khó chịu” cho các đối tác ở châu Âu và châu Á.

Mặc dù vậy, phía Saudi Arabia hiện vẫn để ngỏ khả năng tăng sản lượng dầu mỏ và sẽ chỉ quyết định sau khi đánh giá đầy đủ tác động đối với thị trường dầu mỏ theo sau chính sách mới của Mỹ. Bản thân Saudi Arabia cũng cảm thấy họ từng là “nạn nhân” khi phải tăng sản lượng hồi năm ngoái để bù đắp lượng dầu thiếu hụt sau các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Iran.

Hầu hết các nhà phân tích từng dự đoán chính quyền Mỹ sẽ gia hạn quy chế miễn trừ nói trên, trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn ở mức tương đối cao và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ đang bước vào mùa cao điểm. Vì vậy, nhiều người hẳn đã cảm thấy bất ngờ trước quyết định đột ngột của ông Trump.

Cả ông Trump và cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đều đang theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Iran, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, vốn ủng hộ duy trì quan hệ ngoại giao với Tehran. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh mẽ tới Iran, bởi lẽ 40% nguồn thu của nước Cộng hòa Hồi giáo này là từ xuất khẩu dầu mỏ. Trước khi Washington áp đặt trừng phạt Tehran, Iran có thể kiếm được tới 50 tỷ USD/năm từ doanh thu dầu mỏ.

Giới phân tích nhận định, động thái mới nhất của Mỹ có thực sự thành công hay không còn tùy thuộc vào việc các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc tuân thủ đầy đủ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran như thế nào. Cả ba nước này vốn là những khách hàng dầu mỏ lớn của Iran, khi nhập khẩu tổng cộng gần 1 triệu thùng/ngày.

Đặc biệt, Trung Quốc chưa bao giờ tuân thủ triệt để các yêu cầu của Mỹ về việc từ bỏ mua dầu thô của Iran, đồng thời Bắc Kinh tái khẳng định quan hệ thương mại của mình với Tehran là hợp pháp. Tương tự, Hàn Quốc sẽ mất nhiều thời gian và gặp khó khăn để thay thế nguồn dầu nhập khẩu từ Iran cho ngành công nghiệp hóa dầu của nước này.

Phó Chủ tịch Hãng tư vấn năng lượng Foreign Reports, ông Matthew Reed, nhận định: “Quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt của Mỹ nhiều khả năng sẽ tác động tới thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC. Tổ chức này sẽ không thể tiếp tục giữ nguyên mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi đồng thời phải bù đắp cho lượng dầu từ Iran”.

Câu chuyện lợi ích quanh giếng dầu Iran - Ảnh 3.

Iran khẳng định sẽ thắt chặt an ninh tại eo Hormuz. Ảnh: bne IntelliNews.

Iraq, một thành viên chủ chốt khác của OPEC, cho rằng các quốc gia không nên đưa ra quyết định đơn phương tăng sản lượng, đồng thời khuyến cáo tổ chức dầu mỏ này nên chờ tới cuộc họp toàn thể vào tháng 6 tới để đưa ra quyết định. Ngay cả khi Saudi Arabia hoặc các nhà sản xuất lớn khác “mở van” để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào từ Iran và giữ giá dầu mỏ ở mức ổn định, thị trường “vàng đen” sẽ vẫn chưa hết lo lắng.

Đối với các nước tiêu thụ, không phải tất cả dầu mỏ đều giống nhau và không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất cùng loại dầu chất lượng mà Iran đang cung cấp, điều mà các nhà lọc hóa dầu rất cần.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột đang leo thang tại Libya làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này có thể gặp rủi ro. Tình hình sản xuất dầu mỏ tại Venezuela cũng không khả quan hơn khi sản lượng “vàng đen” của quốc gia Nam Mỹ này đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn quốc. Venezuela thậm chí sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn nữa khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro chuẩn bị có hiệu lực.

Những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia châu Âu và châu Á. Đức, Pháp và Anh đã thiết lập một cơ chế tài chính thay thế để có thể tiếp tục giao dịch với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ, cũng là quốc gia có thể bị tổn thương sau quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt của Trump. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cố gắng tăng cường thương mại song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và Ankara cho biết họ đang cân nhắc xây dựng một hệ thống thay thế để né các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục trao đổi thương mại với Tehran.

Không thể phủ nhận những sức ép rất lớn mà Mỹ đã tạo ra đối với Iran, nhưng điều đó cũng sẽ đẩy Tehran vào “chân tường” và sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả. Quân đội Iran đã lên tiếng cảnh báo sẽ ngăn cản hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đi qua eo biển Hormuz, một tuyến đường vận tải dầu mỏ quan trọng tại vùng Vịnh, nếu Mỹ cố "bóp chẹt" nền kinh tế Iran bằng cách chặn xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Chuyên gia Suzanne Maloney tại Viện Nghiên cứu Brookings khẳng định: “Nếu bị dồn vào đường cùng, Iran sẽ tìm mọi cách để giảm nguồn cung dầu mỏ từ vùng Vịnh ra khỏi khu vực. Bên cạnh đó, Iran cũng có thể gây áp lực dầu mỏ đối với Iraq, hoặc nhắm vào các công ty năng lượng nước ngoài thông qua các cuộc tấn công mạng nhằm gây gián đoạn thị trường để trả đũa quyết định của Mỹ.

Sẽ có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn mà không ai có thể lên kế hoạch hoặc mong muốn nó xảy ra”. Chuyên gia này nhận định ông Trump đúng là đang tự ghè chân mình khi bóp nghẹt xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Vấn đề là quyết định của ông Trump có mang lại hiệu quả như tính toán? Trước tiên, có vẻ như ông Trump đã quá tin vào sự hợp tác của Saudi Arabia và vào việc dầu đá phiến có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt dầu mỏ do không còn nguồn cung từ Iran. Bên cạnh đó, ông Trump lựa chọn thời điểm ra tay không tốt, đúng dịp nội chiến Lybia diễn ra ngày một quyết liệt, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Hiện nay, giá bình quân mỗi gallon xăng ở Mỹ là 2,8 USD, đạt mức cao nhất trong 6 tháng, nếu vượt qua ngưỡng 3 USD/gallon sẽ làm tăng lạm phát lõi, đánh vào nhu cầu tiêu dùng, từ đó có thể gây ra sự bất mãn của cử tri đối với ông, ảnh hưởng tới khả năng liên nhiệm của ông. Cho nên, chính sách chỉ vì lợi ích trước mắt này có thể sẽ đẩy chính quyền ông Trump vào tình trạng “tự lấy đá ghè chân mình”.

Nguyễn Hòa

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.