|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương: Xuất khẩu gạo thừa thắng xông lên, coi chừng gậy ông đập lưng ông

17:37 | 04/08/2023
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao là điều không thể chấp nhận được.

Bộ NN&PTNT cho biết 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 7,5 triệu tấn với giá trị 4,1 tỷ USD.

Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định ngành gạo đang đứng trước thời cơ xuất khẩu, mang lại giá trị, hiệu quả cho người sản xuất, người kinh doanh, đồng thời cũng có thể mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu của gạo Việt, theo báo Tiền Phong.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảnh báo hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng.

Bởi nếu chúng ta xuất khẩu quá đà cả về sản lượng và giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo chưa chắc được đảm bảo, trong khi đó giá gạo xuất khẩu lại cao hơn. Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường, khó có thể khôi phục lại. Do vậy, ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

"Trong lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng gậy ông đập lưng ông. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ thì không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng ngành gạo phải xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng sản xuất (vùng trồng, người nông dân) với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo với nhau để tránh tình trạng bể kèo, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường.

Ngoài ra, các đơn vị có nhiệm vụ liên quan phải thực hiện bảo đảm duy trì dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Cơ quan của Bộ Công Thương sẽ có cơ chế theo dõi, giám sát đặc biệt vấn đề này. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc dự trữ lưu thông tối thiểu; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

"Doanh nghiệp cần tôn trọng các hợp đồng đã ký để giữ được uy tín với bạn hàng. Lúc này mà lật kèo là huỷ hoại hết thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp", ông Diên cảnh báo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương lưu ý các đơn vị cũng cần tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu; tiến hành đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác theo cơ chế giá phù hợp với tình hình, thị trường có thể chấp nhận được. 

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần "đánh chắc, tiến chắc", chú trọng thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng khác.

Hoàng Anh